Tìm lời giải cho 'cơn khát' nguồn lực chuyên gia FTA

Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đang tạo động lực đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam.... Tuy nhiên, nhân lực chuyên gia thực thi các FTA còn rất hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của công tác này.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực chuyên gia, tăng hiệu quả thực thi FTA”, ngày 13/11, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhận định, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến trở ngại cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các FTA.

Trong đó, lực cản về nguồn nhân lực ở cả cấp độ Trung ương, tỉnh, thành và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.

Tọa đàm Phát triển nguồn nhân lực chuyên gia, tăng hiệu quả thực thi FTA

"Ví dụ như Vụ Chính sách thương mại đa biên là đơn vị chủ trì tham gia việc đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực thi các FTA, nhưng đơn vị chuyên trách của chúng tôi cũng chỉ có 10 nhân sự thực hiện tất cả các công việc, từ quá trình đàm phán, ký kết, phê chuẩn cho đến khi thực thi và quá trình thực thi phải liên quan tới rất nhiều bộ, ngành và 63 tỉnh, thành khác nhau đòi hỏi một lực lượng chuyên trách phải đồ sộ và nhiều hơn nữa để có thể đủ sức vươn xa hơn hỗ trợ cho các tỉnh, thành và doanh nghiệp", bà Phương cho biết.

Theo bà Phương, thời gian tới, cần tăng cường nhân sự làm chuyên trách công tác FTA, bên cạnh đó, đào tạo đội ngũ chuyên gia FTA một cách bài bản và chuyên môn hơn.

"Chúng ta đang làm việc với những thị trường rất khó tính như EU, Canada, Mỹ … là những thị trường có rào cản phi thương mại rất lớn. Nếu như chuyên gia của chúng ta không nắm rõ những quy định về hải quan, về xuất xứ hay về lao động, môi trường trong hiệp định cũng như mới phát sinh tại các thị trường này sẽ rất khó để chúng ta có thể duy trì được tính bền vững và thị phần ổn định tại các thị trường này", bà Nguyễn Thị Lan Phương nhận định.

Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do - Ảnh chinhphu.vn

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Công Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, để tận dụng tốt hơn nữa các hiệp định FTA, thời gian tới, cần cử nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đi đào tạo, phục vụ cho việc thực hiện các hiệp định.

"Chúng tôi đã chuẩn bị nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp sẵn sàng cử đi đào tạo, phục vụ cho việc thực hiện các hiệp định FTA trong thời gian tới. Nội dung này cũng đề xuất với Bộ Công Thương, các ngành tiếp tục hỗ trợ để làm sao các cán bộ, người thực thi FTA tại các đơn vị được tiếp cận và được đào tạo chuyên sâu về phục vụ nhiệm vụ tại địa phương", ông Hân chia sẻ.

Ông Hân cũng đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan xem xét, tiếp tục triển khai các khóa đào tạo về FTA. Tạo nguồn nhân lực lâu dài, hiểu biết và nắm rõ về các FTA thông qua đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng.

Bà Lê Thị Hằng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Detech

Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Hằng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Detech đề xuất mong muốn được hỗ trợ cố vấn từ nguồn chuyên gia đến từ bộ, ban, ngành. Ngoài ra, có những buổi đến làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp để tìm hiểu, cố vấn cho doanh nghiệp một cách hiệu quả, áp dụng một cách thực tiễn các hiệp định FTA.

"Chúng tôi cũng tìm kiếm các nguồn đến từ các hiệp hội hoặc có sự cố vấn nguồn thông tin từ các bộ, ban, ngành để chúng tôi tìm kiếm đúng nguồn lực chuyên gia có chuyên môn để mời đến, giảng dạy cho chính đội ngũ nhân sự của chúng tôi kịp thời cập nhật và áp dụng một cách có hiệu quả thực tiễn các hiệp định FTA một cách tốt nhất", bà Lê Thị Hằng cho hay.