Tiểu thương tại chợ truyền thống thay đổi để tồn tại

Dưới sự thay đổi thói quen mua sắm của nhiều người, các tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM đã dần bắt nhịp, ứng dụng công nghệ trong hoạt động buôn bán để tồn tại trong thời đại số.

 

Chợ truyền thống, nơi từng là ‘trái tim’ của các hoạt động thương mại và văn hóa, thế nhưng khi đại dịch covid 19 ập đến làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân.

Tiểu thương chợ truyền thống, những người vốn dựa vào sự tương tác trực tiếp và mối quan hệ lâu dài với khách hàng, bỗng chốc phải đối mặt với sự vắng vẻ, ảm đạm.

Từng là một trong những khu chợ sầm uất nhất nhì TP.HCM, thế nhưng giờ đây sức mua tại chợ An Đông (quận 5) đã giảm đi rất nhiều.

Có mặt tại chợ An Đông (Quận 5) lúc này không khó để thấy khung cảnh vắng vẻ im lìm, nhiều ki-ot đóng cửa treo bảng cho thuê. Lượng khách đến mua ít ỏi, nhiều tiểu thương tại chợ chỉ còn biết ngồi lướt điện thoại để giết thời gian.

Bà Nguyễn Thị Xê - chủ một ki-ot quần áo tại chợ cho biết, sức mua hiện tại giảm hơn 50% so với trước kia: "Ế lắm không thể nào tưởng tượng được, có bữa đi về không 2-3 ngày, còn quầy kế bên 3 ngày chưa mở hàng, không bán mở hàng được đồng nào luôn. Mà chuyện này là cả chợ luôn chứ không riêng một ngành hàng nào hết".

Nhiều kiot tại chợ An Đông đóng cửa, treo bảng cho thuê.
Nhiều tiểu thương chỉ còn biết lướt điện thoại để ‘giết’ thời gian.

Trước thực tế sức mua ảm đạm và sự thay đổi thói quen mua sắm của người dân, một số tiểu thương tại những chợ này đang nhanh chóng bắt kịp với xu hướng số hóa để thích nghi với thời đại công nghệ số. Điều này không chỉ giúp họ mở rộng thị trường mà còn góp phần hồi sinh những chợ truyền thống đang dần mất đi sức hút trước sự cạnh tranh của các siêu thị và trung tâm thương mại hiện đại.

Anh Đặng Xuân Thân, một tiểu thương tại chợ An Đông cho biết, hiện nay nguồn thu nhập chủ yếu bán qua các nền tảng mua sắm trực tuyến: “Giờ thì mình vẫn thuê quầy tại chợ để bày bán nhưng chủ yếu thu nhập là từ bán trực tuyến với lại nhận đơn online, chứ bán trực tiếp tại cửa hàng không ăn thua nữa. Việc bán online giờ cũng thuận lợi, các sàn thương mại điện tử giờ cũng hỗ trợ tiểu thương mình nhiều lắm”.

Với những tiểu thương bắt nhịp kịp xu hướng đã linh hoạt giữa kinh doanh truyền thống và buôn bán online, nhờ vậy họ vẫn duy trì được đơn hàng.

Việc ứng dụng công nghệ hiện đại đã trở thành một giải pháp quan trọng giúp "khoác áo mới" cho chợ truyền thống. Tại chợ Bến Thành, các tiểu thương đã bắt đầu hợp tác với TikToker và YouTuber nổi tiếng để quảng bá sản phẩm của mình, từ đó thu hút khách hàng trở lại chợ.

Bắt đầu làm clip giới thiệu sản phẩm và đăng lên YouTube và TikTok. Chỉ sau khoảng 7 tháng, kênh bán hàng của bà Trần Thanh Mi đã thu hút nhiều tương tác và vì thế thu nhập cũng dần ổn định hơn. Đây là nh chứng cho thấy, dù mới mẻ, nhưng việc ứng dụng công nghệ số vào buôn bán đã mở ra cánh cửa mới cho các tiểu thương tại chợ truyền thống.

Bà Mi chia sẻ: "Trước giờ là mình chỉ trao đổi trực tiếp với khách thôi chứ mình không có làm online như thế này. Trong tình hình này bắt buộc mình phải thay đổi để phù hợp với hiện tại, có như vậy thì mình mới kinh doanh được".

Chợ Bến Thành (Quận 1) đã kết hợp với TikToker và YouTuber nổi tiếng để quảng bá nhằm thu hút nhiều du khách đến mua sắm hơn.

Không chỉ dừng lại ở việc bán hàng online, các tiểu thương còn được khuyến khích áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian cho cả người bán và người mua mà còn tạo ra một hình ảnh chuyên nghiệp, hiện đại cho các chợ truyền thống.

Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho biết, từ khi các tiểu thương dùng mã QRCode để thanh toán đã giúp cho việc đi chợ của cô thuận lợi hơn rất nhiều: "Tất cả các ngành hàng trong chợ từ rau cải, cá thịt đều sử dụng QRcode thì tôi thấy rất tiện lợi, nhằm hạn chế tiền mặt. có đôi lúc mình đi chợ mà quên tiền mặt thì mình có thể lấy điện thoại ra mình sử dụng được".

Không chỉ thu hút được người dân địa phương mà việc tận dụng nền tảng số còn thu hút được nhiều du khách nước ngoài.
Đa số các quầy hàng tại chợ đều có mã QRCode để thuận tiện cho việc thanh toán

Trước xu hướng chuyển đổi số và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội hiện nay, một số Ban quản lý chợ đã tổ chức các buổi tập huấn về công nghệ thông tin, livestream bán hàng. Điều này không chỉ giúp họ tiếp cận được với lượng khách hàng lớn hơn mà còn giúp họ duy trì hoạt động kinh doanh trong những giai đoạn thấp điểm của mua sắm.

Sự chuyển đổi số này không chỉ giới hạn ở việc bán hàng online. Nhiều chợ truyền thống còn trở thành điểm nhấn du lịch, thu hút khách du lịch đến tham quan và mua sắm, như chợ Bến Thành và chợ Bình Tây tại TP.HCM. Đây là một hướng đi mới, mở ra cơ hội để chợ truyền thống không chỉ phục hồi kinh doanh mà còn xây dựng hình ảnh chợ văn nh, thân thiện.

Đa số các quầy hàng tại chợ đều có mã QRCode để thuận tiện cho việc thanh toán

Ông Lê Minh Hiệp – Phó trưởng ban quản lý chợ Bến Thành chia sẻ: “Trước mắt thì thấy cũng tạo được niềm cảm hứng cho bà con hứng khởi để khách hàng được biết nhiều hơn, ngoài ra qua livestream thì cũng muốn giới thiệu hình ảnh của chợ Bến Thành tới bạn bè quốc tế và khách du lịch các nơi. Đó cũng là điều kiện để mọi người biết và tới với chợ Bến Thành nhiều hơn”.

Nhằm tạo điều kiện để nhiều tiểu thương bắt nhịp kịp với việc chuyển đổi số hiện nay, Sở công thương TP.HCM đã có nhiều hoạt động tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng bán hàng qua các kênh online.

Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công thương cho biết: “Hiện nay Sở công thương và Sở thông tin truyền thông hợp tác phối hợp với nhau để triển khai các mô hình chuyển đổi số tại chợ, ví dụ như các hoạt động livestream bán hàng. Hoặc là chúng tôi hỗ trợ chợ xây dựng kênh truyền thông lôi kéo được khách hàng, truyền bá những nét đặc sắc tại chợ để lôi kéo người trẻ đến chợ. Bên cạnh đó, Sở đang phối hợp Đại học Kinh tế - Luật xây dựng Đề phát phát triển chợ trên địa bàn TPHCM thích ứng chuyển đổi số nền kinh tế.”

Việc chuyển đổi số tại các chợ truyền thống Việt Nam là một ví dụ điển hình về sự thích nghi và đổi mới. Nó cho thấy rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sự sáng tạo và khả năng thích ứng luôn là chìa khóa để phát triển và thành công.

Có lẽ, đây chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình mới, nơi công nghệ số và truyền thống hòa quyện, tạo nên một diện mạo mới cho nền kinh tế địa phương.