Tiếp tục đề xuất giảm phí đường bộ cho xe kinh doanh vận tải

Mới đây, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục giảm phí sử dụng đường bộ đến hết ngày 30/6/2022 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, kéo dài thêm 6 tháng so với quy định hiện nay.

Trước đó, theo quy định của Bộ Tài chính, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách được giảm phí sử dụng đường bộ hàng tháng, trong thời gian từ 10/8/2020-31/12/2021 (16 tháng và 2/3 tháng). Mức giảm là 10% đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa, 30% đối với xe kinh doanh vận tải khách (tính trên mức phí phải nộp mỗi tháng).

Hiện biểu phí đường bộ có 8 mức phí, tương ứng với từng nhóm xe: 130.000-180.000-270.000-390.000-590.000-720.000-1.040.000 và 1.430.000 đồng/tháng. Khi phương tiện đi đăng kiểm lần gần nhất được tính bù trừ số tiền được giảm vào kỳ phí đường bộ phải nộp tiếp theo.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VOVGT có cuộc trao đổi với GS. TS Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp Đại học Giao thông vận tải Hà Nội:

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Bộ GTVT đề xuất kéo dài thời hạn giảm phí đường bộ cho xe kinh doanh vận tải thêm 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 - Ảnh Báo Giao thông

PV: Ông đánh giá như thế nào về tác động của việc giảm phí sử dụng đường bộ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải?

GS. TS Từ Sỹ Sùa: Rất đồng tình với quan điểm của Bộ GTVT trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, xe hoạt động hầu như chỉ có xe tải. Với điều kiện khai thác như vậy thì đề xuất là có cơ sở khoa học cũng như cơ sở thực tiễn.

Việc giảm giá thành vận tải giúp cho những doanh nghiệp vận tải tiết kiệm được một khoản chi phí trong thời buổi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Như vậy, họ có thể tích lũy thêm được tiềm lực để khi nào dịch bệnh hết là có thể trở lại sản xuất bình thường. Nếu như trong điều kiện khai thác bình thường thì vấn đề nộp phí rất thuyết phục.

Thế nhưng, bây giờ anh không hoạt động gì cả, anh phải nộp các loại phí như vậy thì tôi cho rằng là việc mà kéo dài thời gian do dịch bệnh như thế là rất hợp lý để giảm gánh nặng, hay nói cách khác là giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp vận tải. Nó đúng và sát với thực tế.

PV: Sau nhiều lần áp dụng việc giảm phí sử dụng đường bộ, theo ông, điều này có ảnh hưởng đến Quỹ bảo trì đường bộ cũng như việc thu ngân sách nhà nước? Ông đánh giá như thế nào về những chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong thời gian qua?

GS. TS Từ Sỹ Sùa: Đương nhiên, vấn đề giảm phí về mặt ngữ nghĩa, mức thu giảm đi thì sẽ ảnh hưởng đến tổng thu, nhưng trong điều kiện thực tế cụ thể, tức là xe luôn hoạt động được.

Ví dụ như bình thường và xe hoạt động một ngày là khoảng 200 km thì anh đóng mức phí tương xứng. Bây giờ xe nằm đắp chiếu, anh vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ thì tôi cho rằng là không hợp lý. 

Quá trình vận tải bị gián đoạn. Cho nên doanh nghiệp vận tải không có nguồn thu, thậm chí có những khoản chi vô hình, bị hao mòn vô hình phải trả.

Vì vậy, theo tôi, đây là một sự kết hợp, vừa là phòng chống dịch về phát triển kinh tế, đảm bảo được vấn đề kinh doanh vận tải. Như vậy thì họ mới có đủ doanh thu để nộp loại phí. 

Những chính sách trước mắt để làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp vận tải, là một chủ trương mà tôi cho là rất đúng và rất sát. PV: Xin cảm ơn ông!