Chiều nào cũng vậy, tiệm mì gói 1.000 đồng của chị Nguyễn Thị Phương Thảo (44 tuổi) trên quốc lộ 13, phường Bình Hoà, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương lại nhộn nhịp với hàng trăm người ghé ăn. Tiệm phục vụ từ thứ 2 đến thứ 7, bắt đầu vào lúc 16 giờ và kéo dài đến khi hết nước lèo.
Ngay trước tiệm mì gói đặt một chiếc thùng nhỏ phía trước với dòng chữ “Chỉ nhận 1.000, nếu không có, hãy cho tôi nụ cười của bạn” để khách bỏ tiền sau khi dùng bữa.

Theo lời của chị Thảo, xuất phát từ mong muốn san sẻ một phần gánh nặng cơm áo với người lao động khó khăn nên chị đã quyết định mở tiệm mì gói 1.000 đồng. Ban đầu, gia đình chị dự định làm tiệm “0 đồng” nhưng chị Thảo nghĩ nếu ễn phí hoàn toàn, mọi người sẽ ngại ghé tiệm. Vì thế, chị quyết định để giá 1.000 đồng với suy nghĩ khách đến ăn trả tiền như mua hàng thông thường, chẳng ai nợ ai:
“Cái sologan của chị là tự nhiên như người ở nhà, ăn no bụng thì thôi, xúc xích, trứng thoải mái. Miễn phí thì thứ nhất mọi người sẽ không dám vô ăn, còn chị bán thì tất cả mọi người đều vô ăn được hết. Mà chị bán như vậy để chi, để người ta không nợ mình, mình cũng không nợ người ta, người ta mua mà. Nói chung là không xin không có gì hết, ý nghĩa của chị là vậy đó".

Dù là tiệm mì nhỏ nhưng mọi thứ đều được chuẩn bị tươm tất, sạch sẽ để mỗi suất ăn không chỉ ngon ệng mà còn thể hiện sự trân trọng dành cho thực khách. Đa phần là tài xế, công nhân, người lao động phổ thông, có khi là cả những vị khách hiếu kỳ ghé đến trải nghiệm vì muốn tận mắt chứng kiến những bát mì có giá không tưởng giữa đời thực. Điều đặc biệt ở tiệm mì gói 1.000 đồng không chỉ nằm ở mức giá mà còn ở sự chăm chút, tỉ mỉ từ khâu chế biến đến cách phục vụ.
Thay vì dùng mì với nước sôi như thông thường, tiệm chu đáo chuẩn bị những nồi nước lèo thơm lừng, được nấu từ 10 kg rau củ và đủ các món ăn kèm như rau, xúc xích, trứng luộc, trứng chiên, đồ tráng ệng… được chuẩn bị sẵn sàng tại quầy để phục vụ khách thưởng thức thoải mái, không giới hạn.
“Tô mì rất chất lượng, có trứng, xúc xích, có đầy đủ các loại giá, rau bắp cải. Nếu bên ngoài thì tô mì này có giá khoảng 20 đến 25 ngàn nhưng ở đây chỉ lấy với giá 1 ngàn đồng".
Anh Trần Thanh Sang (32 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ) là “khách hàng” quên thuộc của tiệm nhiều tháng nay. Bưng tô mì nóng hổi với đầy đủ topping ra bàn, anh Sang cho biết, hầu như chiều nào anh cũng ghé tiệm mì này để ăn. Tuy 1000 đồng nhưng tô mì rất chất lượng:
“Có những quán như vậy thì đỡ được 1 phần nào đó. Anh biết Bình Dương giờ toàn lao động nhập cư, dân lao động không à. Như tụi em lao động tay chân, lao động giờ cũng thất nghiệp nhiều lắm, với lại 1 phần lương nó ít. Lương 1 tháng có nhiêu đâu, nên ăn như vậy thì chiều về đỡ được 20 đến 30 chục ngàn".
Mỗi ngày, tiệm chi khoảng 1 triệu đồng/ngày để mua nguyên liệu nhằm phục vụ từ 200 đến 250 suất ăn, có khi là mì gói hoặc phở gói, hủ tiếu, ến ăn liền. Toàn bộ chi phí này được trích từ việc kinh doanh gốm sứ của gia đình chị Thảo. Khi tiếng lành đồn xa, nhiều mạnh thường quân tìm đến mong muốn hỗ trợ.
Tuy nhiên, thay vì nhận tiền, chị Thảo chỉ nhận đóng góp thực phẩm. Chị Trần Tú Phương (1 người dân sinh sống tại TP Thuận An) cho biết sau khi biết đến tiệm mì 1.000, chị cảm thấy rất hay nên đã tìm đến và ngỏ ý hỗ trợ thêm đồ ăn và sữa cho tiệm nhằm giúp bà con nâng cao thêm dinh dưỡng:
“Cảm thấy ấm lòng, giúp được mọi người như vậy thì mình cảm thấy rất là vui”.
Tiệm mì 1.000 của chị Thảo giờ đây còn trở thành chiếc cầu nối giữa những người dân muốn đóng góp, san sẻ chút gì đó cho những bà con có hoàn cảnh không may hoặc đơn thuần là hỗ trợ cho tầng lớp lao động nghèo giảm bớt phần nào áp lực cuộc sống.
Về phần tiền 1.000 đồng của thực khách ủng hộ trong thùng tiền, chị Thảo dự định đến cuối năm sẽ lấy ra làm thêm một việc thiện nguyện khác. Nếu đủ chi phí, chị và gia đình có ước mơ sẽ xây một cây cầu cho bà con nghèo ở vùng sâu vùng xa và lấy tên là "cầu của khách hàng tiệm mì 1.000 đồng".
“Cái phần tiền bỏ vào 1 ngàn đó thì tụi chị giúp bà con làm công quả luôn chứ không sử dụng cho cái quán này. Thì mình muốn gom số tiền đó đến cuối năm mình xây cái cầu mang tên là Khách của quán mì 1.000 để hồi hướng công đức hết cho những người tới đây ăn nè để người ta được hưởng phước. Thì hy vọng từ đây đến cuối năm sẽ đủ kinh phí".
Tiệm mì “1.000 đồng” không chỉ là nơi khách hàng đến ăn, mà còn là nơi mà mỗi người lao động tìm thấy sự sẻ chia, ấm áp và niềm tin vào lòng người. Qua mỗi nụ cười trao đi, tiệm mì của chị Thảo đã và đang góp phần làm dịu bớt những khó khăn của cuộc sống, mang lại hy vọng, niềm vui cho những con người lao động cần được sẻ chia.