Thúc đẩy vận tải đường bộ xuyên biên giới

VOVGT – Việc thực hiện hiệu quả vận tải đường bộ xuyên biên giới sẽ góp phần làm tăng giá trị hàng hoá và nâng cao năng lực cạnh tranh…

Ảnh nh họa

Sáng nay (11/5), Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã tổ chức Hội thảo quốc tế về vận tải xuyên biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc và các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS).

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho biết, vận tải hàng hoá qua biên giới bằng đường bộ có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu, hàng hoá quá cảnh và chuyển tải giữa các nước thành viên GMS. Hiện nay đã hình thành các tuyến vận tải quá cảnh giữa Việt Nam - Lào - Thái Lan, Shenzen (Trung Quốc) và Việt Nam – Campuchia.

“Việc thực hiện hiệu quả vận tải đường bộ sẽ góp phần làm tăng giá trị hàng hoá và nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương mại xuyên biên giới”, ông Lê Huy Hiệp đánh giá.

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, sự hạn chế về số lượng hàng hoá do thương mại khu vực hành lang kinh tế Đông-Tây chưa phát triển, nhất là việc mất cân đối về hàng hoá hai chiều, dẫn đến việc chưa tận dụng được phương tiện vận tải, qua đó làm gia tăng giá thành vận tải. Bên cạnh đó, thủ tục thông quan hàng hoá quá cảnh tại cửa khẩu còn nhiều bất cập, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan; kết cấu hạ tầng còn hạn chế.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc có 2 tuyến chính gồm Thẩm Quyến – Việt Nam – Thái Lan và Côn Minh – Lào Cai – Hải Phòng. Ngoài ra còn có các tuyến vận tải đường sắt quan trọng như tuyến đường sắt Yên Viên – Đồng Đăng và Yên Viên – Lào Cai.

Theo bà Hiền, việc vận tải hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều khó khăn, thách thức như chi phí tăng cao do không có sự vận chuyển 2 chiều, hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam lớn hơn nhiều so với Việt Nam sang Trung Quốc. Bà Phan Thị Thu Hiền đề xuất cần cân nhắc thành lập liên nh vận tải đường bộ nội địa vận tải xuyên biên giới để có sự hợp tác sâu hơn, cùng đàm phán dịch vụ hợp lý, tạo môi trường lành mạnh hơn. Ngoài ra cần chuẩn hoá chi phí vận tải đường biên để có sự đồng nhất.

Phát biểu tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp vận tải kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nên mở rộng phạm vi các tuyến đường vận tải. Nghiên cứu mô hình trao đổi rơ-mooc tại cửa khẩu, từ đó hàng hoá không phải chuyển tải cũng như các cơ quan quản lý không phải quản lý doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam mà chỉ phải quản lý các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Kha, đại diện Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, hiện ngành hải quan đang thí điểm dịch vụ quá cảnh tại các nước ASEAN, Thái Lan, Malaysia, Singapore, cuối năm 2017 sẽ tiếp tục thí điểm tại Việt Nam. Qua đó, cho phép các cơ quản quản lý, các đơn vị kinh doanh thống nhất về quy trình với hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp logistics của Việt Nam. Theo ông Kha, với hàng quá cảnh, ngành hải quan sẽ kiểm soát từ điểm đầu vào Việt Nam và hàng hoá Việt Nam chuyển đi cũng được đơn giản thủ tục.