Thúc đẩy mô hình sân chơi di động cho trẻ em tại các cộng đồng dân cư

Sân chơi dần trở thành khái niệm xa vời với những đứa trẻ thành thị hiện nay. Với quỹ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi sau giờ học, chúng chỉ có thể giải trí bằng các thiết bị điện tử.

 Một sân chơi tái chế Thinkplayground ở Hà Nội. Ảnh: TPG

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Mong muốn đem tới không gian vui chơi thoải mái vận động, tự do khám phá cho trẻ em thành phố, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng cùng chung tay tạo ra những sân chơi độc đáo trong dự án "Thúc đẩy mô hình sân chơi di động cho trẻ em tại các cộng đồng dân cư". 

Chỉ bằng vài chiếc xẻng kích cỡ phù hợp độ tuổi, các bạn nhỏ say mê đào một con sông trên khoảnh đất tại Sân chơi phiêu lưu bãi giữa sông Hồng. Sân chơi phiêu lưu này tập hợp đủ ba yếu tố thiên nhiên: nước, lửa, đất và rất nhiều vật liệu tái chế như lốp cao su, tre nứa, dây thừng… được thu thập từ cộng đồng dân cư để trẻ tự sáng tạo, tự chơi những trò chơi theo trí tưởng tượng của mình.

Em Vũ Nguyễn Phương Vy và Trần Huy Bách kể lại:

“Con chơi đào đất và nướng kẹo, làm nhiều trò chơi, vẽ đồ gỗ. Con cảm thấy vui vẻ và bảo vệ môi trường.”

“Bình thường bọn con chơi đuổi bắt và trốn tìm ở nhà. Ở trường chỉ chơi với các bạn trong lớp. Bọn con tự đi bộ sang đây, vui lắm”

Sân chơi di động cho trẻ em được xây dựng tại các khu dân cư phường Ngọc Hà, phường Nhân Chính, huyện Đông Anh, giờ đây là sân chơi phiêu lưu tại bãi giữa sông Hồng. Đơn vị tổ chức đưa ra sáng kiến phù hợp từng khu vực để người dân cùng bàn thảo, tham gia thiết kế sân chơi. Vật liệu linh hoạt do cộng đồng đóng góp, dọn ra khi bắt đầu và dọn vào khi kết thúc để tận dụng quỹ đất ít ỏi trong phố. 

Ông Nguyễn Đăng Được, người dân góp đất cho Sân chơi phiêu lưu bãi giữa sông Hồng cũng tự tay vẽ biển, làm hàng rào bắt mắt để trẻ con yêu thích mà tìm tới: “Tôi quan tâm tới trẻ em và rất quý. Nói về trẻ em là tôi ủng hộ. Chương trình đến đây bảo làm sân chơi là hợp ý của tôi rồi. Chỉ cần thông báo là ra đây chơi hết. Sân chơi như thế này giúp trẻ con bạo dạn, sáng suốt hơn.”

Chơi dựng lều bằng cây tre và lá chuối. Ảnh: TPG

Học tập mô hình tại các nước như Nhật bản, Anh… doanh nghiệp xã hội Think Playground phối hợp với tổ chức Health Bridge tạo ra giải pháp cho cộng đồng tạo ra không gian chơi cho trẻ ngay trong khu vực dân cư.

Anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập tổ chức Think Playground cho biết, nếu không được ra ngoài, không được giao lưu trẻ sẽ căng thẳng, rất có thể tổn thương tâm lý. Anh mong muốn nhân rộng mô hình sân chơi di động giải quyết vấn đề này: Đây là một trong những mô hình chúng tôi sử dụng để chứng nh cho mọi người thấy rằng là bất kỳ không gian nào đều tận dụng một cách thông nh.

Ví dụ Ngọc Hà là một cái sân chung vốn để xe, mọi người có thể tổ chức vào cuối tuần, không để xe đấy nữa. Hay như bãi giữa đây rất quý có nền đất có thiên nhiên. Các bạn trong xóm có thể đến để chơi với nhau thì đó là một trong những cách thử coi cung cấp giải pháp để cộng đồng tự vận hành, tự biết cách để tạo ra không gian chơi cho chính con em mình.

Để mô hình sân chơi di động cho trẻ em được hoàn thiện và nhân rộng nhiều hơn tại khu vực thành thị và cả nông thôn, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Trẻ em xứng đáng được có không gian vui chơi nơi có thể thỏa sức thiên biến vạn hóa những gì chúng tưởng tượng về cuộc sống.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 30/11 tại đây: