Thúc đẩy đầu tư giao thông tạo xung lực cho "đầu tàu" TP.HCM

TP.HCM đã và đang dồn lực để sớm hoàn thiện nhiều công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông trong thời gian tới nhằm xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.... tạo xung lực để TP.HCM phát triển xứng tầm đầu tàu kinh tế của cả nước.

 

Đường Đặng Thúc Vịnh sau khi được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: plo.vn

Nằm trong mạng lưới giao thông khu vực cửa ngõ Tây Bắc thành phố, dự án mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9, huyện Hóc Môn) hoàn thành đưa vào khai thác cuối tháng 4/2022. Đoạn nâng cấp dài hơn 5km, mặt đường được mở rộng lên 30m từ nút giao Tô Ký đến Lê Văn Khương, thuộc hai xã Đông Thạnh và Thới Tam Thôn.

Dự án hoàn thành giúp kết nối giao thông khu vực, cải thiện tình trạng ngập nước, chỉnh trang đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội huyện Hóc Môn và khu vực. 

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đáng giá Dự án nâng cấp và sửa đường đường Đặng Thúc Vịnh đóng vai trò hoàn thiện hạ tầng, kết nối giao thông khu vực, khắc phục tình trạng ùn tắc, góp phần chỉnh trang đô thị.

Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Dự án có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Hóc Môn, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khu vực và kết nối với đường Vành đai 3 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

“Tôi hy vọng rằng, dự án đường Đặng Thúc Vịnh sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông của thành phố ở khu vực Tây Bắc. Và từ đó, thì thúc đẩy phát triển khu vực Tây Bắc như lời của đồng chí Chủ tịch nước rất là mong muốn là Tây Bắc là 1 con rồng phát triển của thành phố trong tương lai", ông Võ Văn Hoan cho biết.

 

Các phương tiện đi qua cầu Bưng

Công trình xây dựng mới cầu Bưng bắc qua kênh Tham Lương có tổng mức đầu tư khoảng 515 tỉ đồng, là một trong những công trình giao thông trọng điểm của thành phố. Công trình được khởi công vào tháng 7/2017 và dự kiến hoàn thành sau 20 tháng thi công nhưng do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng nên phải tạm dừng thi công nhiều lần. Đến tháng 10/2022, dự án chính thức hoàn thành khiến người dân phấn khởi. 

"Mỗi lần mưa tới là ngập, đi lại của bà con rất khó khăn. Từ khi mà hoàn thành, bà con rất là mừng và phấn khởi".

"Đường xây xong thấy sáng sủa, sạch sẽ hơn lúc chưa xây. Lúc còn con đường nhỏ nhìn không đẹp như là bây giờ".

Đánh giá về dự án này, ông Lương Minh Phúc (Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM) cho rằng, việc hoàn thành cầu Bưng nối quận Bình Tân và Tân Phú, không chỉ giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên trục đường Lê Trọng Tấn, mà còn nối kết liên vùng trong khu vực Tây Bắc thành phố và góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

“Bên cạnh việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông thì đây cũng là nhiệm vụ kép để chúng ta đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Và đây cũng là sự mở đầu để chúng ta đẩy nhanh hơn nữa các dự án giao thông trọng điểm của thành phố, cũng như chuẩn bị cho các công trình lớn hơn trong năm 2023", ông Lương Minh Phúc nói.

Cầu Thủ Thiêm 2 nhìn từ trên cao. Ảnh: Vnexpress

Nổi bật trong các dự án giao thông được hoàn thành trong năm 2022 đó là cầu Thủ Thiêm 2. Được khởi công xây dựng từ năm 2015 và dự kiến hoàn thành năm 2018, tuy nhiên gặp phải một số khó khăn và nhiều lần phải gia hạn thời gian thực hiện. Đến tháng 4/2022, dự án chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động. Đây là một trong những công trình xây dựng trọng điểm, cấp bách trên địa bàn TP.HCM và được xem biểu tượng mới của thành phố.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi công trình giúp hoàn thiện trục giao thông chính của thành phố, tăng kết nối khu trung tâm với đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức. Dự án cũng tạo sức hút đầu tư để hoàn thiện khu đô thị này trước năm 2030 - nơi được định hướng trung tâm kinh tế, tài chính, đô thị thông nh… Hiện thành phố đang chuẩn bị đầu tư 2 cây cầu là cầu Thủ Thiêm 3 (nối quận 4) và Thủ Thiêm 4 (nối quận 7) trước năm 2030.

“Với vai trò là trung tâm kinh tế của vùng trọng điểm phía Nam, thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường đầu tư các công trình giao thông trọng điểm có tính chất kết nối vùng, nhằm từng bước giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, cũng như góp phần tăng cường khả năng kết nối vùng", ông Phan Văn Mãi cho biết.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã chính thức chạy thử đoạn trên cao dài gần 9km, từ ga Suối Tiên đến Bình Thái.

Sự kiện được người dân mong chờ trong những ngày cuối năm 2022 là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã chính thức chạy thử đoạn trên cao dài gần 9km, từ ga Suối Tiên đến Bình Thái. Đây là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của TP.HCM mang ý nghĩa quan trọng, không chỉ phục vụ hướng phát triển của thành phố về phía Đông, kết nối trên hành lang giữa trung tâm Thành phố với Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia,… mà còn mang tính liên kết vùng, tạo phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ.

Chứng kiến cột mốc của dự án, nhiều người dân vô cùng phấn khởi:

"Tuyến metro thông suốt thì thứ nhất sẽ giải phóng ùn tắc giao thông của tuyến đường này. Và cũng là 1 công trình trọng đại của thành phố thì anh là người dân anh cũng rất háo hức, quá vui, quá tuyệt vời luôn".

"Bản thân mình cũng là một người dân thành phố cũng luôn kỳ vọng dự án sẽ sớm hoàn thành để mà đưa vào khai thác".

Hiện toàn dự án hiện đạt gần 94% khối lượng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Theo ông Nguyễn Quốc Hiển (Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM) kế hoạch, chủ đầu tư sẽ phấn đấu hoàn thành lắp đặt thiết bị trên toàn tuyến vào tháng 4/2023, để vận hành thử nghiệm toàn tuyến vào tháng 8/2023 và đưa dự án vào khai thác thương mại vào cuối năm 2023. 

"Dự án này là dự an đầu tiên, do vậy những cái khó khăn cũng rất là nhiều. Và các hành lang pháp lý, các thủ tục chúng ta chưa có chuẩn bị sẵn. Do đó, trong quá trình vừa làm vừa điều chỉnh, vừa xin chủ trương nó cũng mất nhiều thời gian.

Tôi hy vọng trong các tuyến đường sắt đô thị tiếp theo chúng ta có kinh nghiệm hơn và các hành lang pháp lý cũng đầy đủ hơn, các tiêu chuẩn kỷ thuật cũng sẽ được hoàn thiện. Do vậy, công tác triển khai khai thi công và đưa vào vận hành nó sẽ nhanh hơn”, ông Nguyễn Quốc Hiển cho biết.

Năm 2022 mặc dù trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế, nhưng thành phố đã nỗ lực để hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm, được kỳ vọng "đi trước mở đường", để cùng thành phố phục hồi và phát triển kinh tế.

Bước sang năm 2023, ngoài tuyến metro số 1, TP.HCM sẽ tập trung làm 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đường Lương Định Của, nút giao Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ. Thành phố cũng đặt mục tiêu khép kín Vành đai 2 cùng thời gian với Vành đai 3 - tức hoàn thiện vào năm 2026. Đồng thời thành phố đề ra mục tiêu tháng 5/2023 chọn chủ trương đầu tư Vành đai 4.

Các công trình giao thông cửa ngõ như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành và dự án cầu Thủ Thiêm 3, 4, cầu Cần Giờ cũng được chuẩn bị hồ sơ tìm nguồn đầu tư.