'Thủ phủ' sản xuất khẩu trang (bài 2): Chính quyền 'tù mù' về hoạt động

Trong bài viết trước, VOVGT phản ánh về việc sản xuất khẩu trang thiếu đảm bảo chất lượng, nhập nhèm trong việc ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng tại một cơ sở sản xuất ở xã Xuân Lai, huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Thế nhưng, khi được hỏi về hoat động sản xuất mặt

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Xã quản lý chính thức 34 hộ đăng ký sản xuất kinh doanh khẩu trang, nhưng đó chỉ là bề nổi

Tại buổi làm việc với nhóm phóng viên về hoạt động sản xuất khẩu trang tại địa bàn, ông Nguyễn Văn Bưởi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho biết, địa phương hiện không còn được gọi là “thủ phủ” sản xuất khẩu trang nữa, bởi sau khi xuất hiện dịch Covid-19, rất nhiều cơ sở ở các địa phương trong và ngoài tỉnh cũng đã nhập máy và nguyên liệu về để sản xuất khẩu trang.

Theo thống kê của xã Xuân Lai, trên địa bàn xã hiện có 34 hộ sản xuất mặt hàng này, trong đó 2 hộ được cấp phép sản xuất khẩu trang y tế, còn lại chỉ sản xuất khẩu trang bảo hộ.

“UBND xã cùng đội quản lý thị trường cũng đã đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhìn chung các cơ sở này đã chuẩn bị tốt về mặt bằng. Riêng 2 hộ về sản xuất khẩu trang y tế thì nhà xưởng, quy mô sản xuất, máy móc, công nhân thì thực hiện đúng quy định của Sở Y tế”, ông Nguyễn Văn Bưởi cho biết. 

Mặc dù vậy, theo lời ông T., chủ cơ sở sản xuất K.A, chỉ riêng tại thôn Phúc Lai, nếu tính cả các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chưa đăng ký kinh doanh thì phải lên tới cả trăm hộ sản xuất khẩu trang. Do vậy, con số chính quyền xã chưa quản lý được là rất lớn.

“Gần trăm nhà làm, nhà thì làm bình thường, nhà thì làm kháng khuẩn. Làm nghề thì nhà nào biết nhà đấy thôi”, ông Nguyễn Văn Bưởi nói.

Nói về khẩu trang bảo hộ, khẩu trang 4 lớp, vị đại diện UBND xã Xuân Lai khẳng định, do đây là mặt hàng truyền thống hàng chục năm nay của địa phương nên “tiêu chuẩn cơ bản là yên tâm”.

Khi được hỏi về tình trạng làm ăn chộp giật, không đảm bảo vệ sinh môi trường, lập lờ tính năng khẩu trang vải với các loại khẩu trang kháng khuẩn, chuyện dụng trong y tế, ông Nguyễn Văn Bưởi cho biết, xã đã cùng đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra từ tháng 3/2020: “Sau đợt kiểm tra tháng 3,cũng đã đến trực tiếp các hộ sản xuất và xử lý một số hộ sản xuất chụp giật. Những cơ sở đấy đã được giải tán. Từ tháng 3 đến giờ thì tuyên truyền phổ biến đến các hộ. Vì vậy nên mặt hàng sản xuất và mặt bằng sản xuất bây giờ rất quy củ, sạch sẽ, đảm bảo tiêu chuẩn, quy định.”

Chính quyền chia sẻ là vậy, nhưng thực tế tại xưởng K.A., một cơ sở khang trang và có tiếng trên địa bàn xã Xuân Lai thì rất khác. Cơ sở này chỉ cần có giấy phép kinh doanh hộ gia đình là được sản xuất khẩu trang. Ngoài ra, không cần tiêu chuẩn nào liên quan tới quy trình sản xuất, nguyên vật liệu.

Bản thân chủ cơ sở cũng ngầm khẳng định các sản phẩm có tính năng kháng khuẩn nhưng không đăng ký chính thức để tránh phải đáp ứng các tiêu chuẩn từ cơ quan chức năng. Thay vào đó, họ lâp lờ trong nhãn mác và hướng dẫn sử dụng để đưa ra một dạng sản phẩm “na ná” như vậy, nhưng với những tiêu chuẩn về nhà xưởng, nguyên vật liệu thấp hơn.

Luật sư Trần Tuấn Anh, giám đốc Công ty luật Minh Bạch, nêu một bất cập của thị trường khẩu trang hiện nay: Các tiêu chuẩn chỉ mang tính khuyến nghị, không mang tính bắt buộc: “Khẩu trang kháng khuẩn, chống chất độc hóa học cần tuân theo các tiêu chuẩn do Bộ Y tế ban hành. Nhưng trường hợp các cơ sở sản xuất không tuân thủ thì lại không có chế tài xử lý vi phạm hành chính. Nó khác với quy chuẩn. Pháp luật Việt Nam chưa có bộ quy chuẩn liên quan việc sản xuất khẩu trang”.

Những bất cập, thiếu rõ ràng trong các quy định, tiêu chuẩn đối với từng loại mặt hàng khẩu trang như vậy là lý do chính quyền địa phương chỉ quản lý được về giá cả, chống găm hàng, đầu cơ. Ông Nguyễn Văn Bưởi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân  Lai nói: “Trong số 32 hộ thì các hộ có đăng ký kinh doanh để sản xuất mặt hàng khẩu trang bảo hộ, chứ không phải là khẩu trang y tế. Khẩu trang bảo hộ là người ta sản xuất theo quy định truyền thống, chứ Sở Y tế không cấp phép sản xuất khẩu trang này”.

Hướng dẫn sử dụng ghi dùng được trong bệnh viện, nhưng khẩu trang 4 lớp này không có tiêu chuẩn cho phép

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một trung tâm kiểm định khẩu trang tại Hà Nội cho biết, chất lượng khẩu trang trên thị trường hiện nay rất khó kiểm soát. Bởi quy định, tiêu chuẩn có nhưng không rõ ràng. Ví dụ như thiếu tiêu chí đánh giá cụ thể về kháng khuẩn là đạt hay không đạt, thiếu tiêu chuẩn về phép thử tính kháng khuẩn… Kể cả doanh nghiệp lớn cũng chưa chắc đảm bảo tất cả sản phẩm khẩu trang khi đưa ra thị trường đáp ứng đúng các tiêu chuẩn quốc gia.

Riêng về sản phẩm của cơ sở K.A, vị chuyên gia bày tỏ sự nghi ngờ khi trên bao bì không nêu rõ sản phẩm đạt mức “tiêu chuẩn cơ sở” nào, trong khi đó là yêu cầu tối thiểu để sản phẩm được đưa ra thị trường.

Việc để xảy ra tình trạng các cơ sở sản xuất khẩu trang nhập nhèm về khái niệm sản phẩm, cũng như chất lượng là do bất cập trong các quy định hiện hành. Nhưng trách nhiệm của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng như Thanh tra y tế, quản lý thị trường là không thể thoái thác.

Để làm rõ vai trò, trách nhiệm và những bất cập trong việc quản lý, cấp phép, giám sát các cơ sở sản xuất khẩu trang tại xã Xuân  Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, nhóm phóng viên đã liên hệ với Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, nhưng Sở này vẫn chưa có sự phản hồi.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề này trong bài viết sau.

---

Mời các bạn lắng nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 14/8 tại đây: