Thu phí Bảo hiểm Y tế linh hoạt để giảm gánh nặng đóng góp đầu năm học

VOVGT - Mới đây, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, do việc tăng lương cơ sở nên mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên cũng bị điều chỉnh tăng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Mới đây, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, do việc tăng lương cơ sở nên mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên cũng bị điều chỉnh tăng. Dù mức tăng không nhiều, song BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện phương thức thu phí BHYT linh hoạt để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học. Đề cập thêm về nội dung này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết:

 

Thu bảo hiểm linh hoạt vẫn đảm bảo được tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh, sinh viên. Thứ 2, việc thu này không tạo ra sức ép cho phụ huynh học sinh, tức là khi có tiền thì tham gia cho các cháu, không bị dồn cục vào trong một thời điểm, ví dụ như đầu năm học khi phải đóng góp rất nhiều khoản chi phí cho học sinh.

BHXH Việt Nam tiếp tục thu phí BHYT linh hoạt để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học

Phương thức thực hiện thu phí BHYT linh hoạt để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học cụ thể như sau, đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, học sinh mới vào lớp 1, BHXH sẽ thực hiện thu phí BHYT những tháng còn lại của năm 2017. Đối với học sinh, sinh viên đã đóng BHYT theo năm tài chính, thì BHXH sẽ tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2017. Cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của học sinh, sinh viên 6 tháng hoặc 1 năm một lần nộp vào quỹ BHYT.

Các cơ sở giáo dục chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu học sinh, sinh viên có nguyện vọng và tự nguyện đóng. Theo ông Nguyễn Huy Quang, nếu việc thu phí BHYT linh hoạt được thực hiện một cách chặt chẽ thì các đối tượng như học sinh, sinh viên vẫn đảm bảo được quyền lợi của họ khi đóng bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng, mặc dù việc đóng bảo hiểm y tế linh hoạt giảm gánh nặng đầu năm học nhưng thực tế, bảo hiểm y tế vẫn chưa được sử dụng một cách hiệu quả. Chị Phùng Thị Mai Hương cho biết:

 

Nhà cũng có mấy bé đang học và đóng tiền nhưng thực sự chị chưa sử dụng bao giờ nên cũng chưa biết thế nào cả nên cũng chưa biết sử dụng như thế nào, luật như thế nào, nên mình cũng chưa rõ và nắm bắt được nhiều. Chỉ biết mọi người đóng tiền thì mình đóng tiền thôi. Thực sự khi con ốm đau thì vẫn sử dụng dịch vụ nên cũng mình cảm thấy bảo hiểm đấy có cũng tốt mà không có cũng không sao.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện có gần 16 triệu học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 92,5%. Hiện vẫn còn 7,5% số học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT. Đề cập tới những khó khăn, vướng mắc trong thu BHYT HSSV, ông Vũ Mạnh Chữ, Phó trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) chia sẻ, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế về chính sách BHYT nói chung và BHYT đối với HSSV nói riêng, vẫn chưa nhận thức đầy đủ về chính sách bắt buộc tham gia BHYT của HSSV; Một số cơ sở giáo dục chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm chỉ đạo triển khai BHYT học sinh tại các nhà trường, chưa quan tâm thích đáng đến công tác y tế trường học.

Một số cơ sở giáo dục bậc đại học, cao đẳng, chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT học sinh, sinh viên vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV. Tại một số cơ quan BHXH chưa thật sự sâu sát trong quá trình triển khai thực hiện BHYT học sinh, sinh viên, chưa tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo thực hiện công tác này.

Do đó, để đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, thời gian tới, ngành Bảo hiểm xã hội tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, giao chỉ tiêu đối với từng cơ sở giáo dục.... Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thực hiện phương thức thu phí BHYT linh hoạt để giảm số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học. Ông Vũ Mạnh Chữ, Phó Trưởng Ban Thu (Bảo hiểm xã hôi Việt Nam) cho biết:

 

Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành, chỉ đạo các tỉnh, thành phố, phối hợp với ngành giáo dục tổ chức quyết liệt triển khai BHYT học sinh, sinh viên. Năm học 2017-2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiếp tục thu phí, tham mưu cho tỉnh ủy, ủy ban giao chỉ tiêu tham gia BHYT học sinh sinh viên. Đồng thời, gắn trách nhiệm của nhà trường, nếu nhà trường không đạt chỉ tiêu thì sẽ lấy đó làm cơ sở xét thi đua của nhà trường.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV tham gia BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã đề xuất sửa đổi một số nội dung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa phù hợp thực tế như: Trẻ em dưới 6 tuổi chuyển sang HS lớp 1 mà sinh vào các ngày trong tháng sau ngày 30/9 thì được sử dụng đến hết tháng của tháng đủ 72 tháng tuổi; HS lớp 12 được cấp thẻ BHYT đến 30/9 thay vì cấp thẻ đến 31/5 (kết thúc khóa học). Liên quan tới việc tăng mức phí BHYT đối với học sinh, sinh viên, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, BHXH Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ 30% lên 50% cho nhóm đối tượng này.