Thu hút học sinh, sinh viên du học 'tại chỗ': Giải pháp chống chảy máu chất xám?

VOVGT - Hiện nay, ngày càng nhiều học sinh, sinh viên trong nước tham gia các chương trình du học tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Học sinh, sinh viên Việt Nam đang đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng và môi trường đào tạo trong nước

Hiện Việt Nam có gần 150.000 học sinh, sinh viên đang du học tại nước ngoài, trong đó khoảng 90% là du học tự túc. Chỉ tính 3 năm gần đây, số lượng du học sinh Việt Nam tăng vọt và tập trung nhiều nhất ở Mỹ, Úc, Anh, Canada và Nhật Bản. Riêng năm 2015, số học phí của du học sinh Việt Nam đóng góp cho nền giáo dục Anh là 700.000 bảng Anh. Nếu tính bình quân chi phí khoảng 30.000 đô la Mỹ mỗi người một năm thì trung bình mỗi năm, du học sinh Việt Nam tại Mỹ đóng góp khoảng 600 triệu đô la Mỹ cho nền kinh tế nước này.

Tốn kém là vậy nhưng việc du học của học sinh, sinh viên Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt là các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội. Việc học sinh phổ thông bỏ ngang chương trình để làm quen với môi trường du học đã và đang tạo nên nhiều xáo trộn cho không ít cơ sở giáo dục. Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn cho biết, mỗi năm trường ông tuyển vào hơn 400 học sinh nhưng mất đến 80 học sinh chỉ vì làn sóng du học. Do đó, sĩ số sau 1 năm giảm đi gần 3 lớp. Điều đáng tiếc là mặc dù có học lực rất tốt nhưng khi đi du học, đa phần các em đều phải học lại chương trình phổ thông của nước sở tại, vừa mất thời gian vừa tốn nhiều chi phí. Vì thế, theo ông Thạch bên cạnh việc các trường phổ thông chủ động xây dựng chương trình giáo dục theo hướng hội nhập, ngành giáo dục và thành phố cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này thì mới mong thay đổi tình hình:

“Chúng tôi muốn kiến nghị với lãnh đạo TPHCM và Sở Giáo dục – Đào tạo cho phép trường chúng tôi được nhập khẩu chương trình tiên tiến để dạy song song với chương trình hiện hành của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Như vậy học sinh có thể vừa lấy được bằng tốt nghiệp trung học phổ thông của Việt Nam, vừa đảm bảo chuẩn của quốc tế nên sau khi hoàn thành chương trình trung học phổ thông và sang nước ngoài thì có thể học tiếp lên cao.”.

 

Đến thời điểm hiện tại nhiều trường đại học tại TPHCM đã chủ động cập nhật chương trình đào tạo quốc tế để thu hút sinh viên

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, việc ngày càng nhiều phụ huynh tại các thành phố lớn đưa con đi du học nước ngoài là phản ứng không vui đối với người làm trong ngành giáo dục. Điều này khẳng định phụ huynh xem giáo dục trong nước không bằng nước ngoài. Tuy nhiên đây là điều hoàn toàn hợp lý. Làn sóng du học nước ngoài là không thể tránh khỏi, nước nào cũng có. Nhưng nếu thời gian tới các trường từ phổ thông đến đại học tại Việt Nam đảm bảo được chất lượng và môi trường đào tạo tương đương quốc tế thì sẽ thu hút được không chỉ học sinh, sinh viên trong nước mà cả du học sinh nước ngoài:

“Điều duy nhất có thể làm là các trường trong nước phải phấn đấu sao cho bằng các trường quốc tế. Thứ nhất là về chương trình đào tạo chúng ta phải làm sao để tương đồng với quốc tế. Tuy nhiên, nói giống không có nghĩa là bê rập khuôn mà phải xây dựng làm sao cho nó phù hợp với điều kiện phát triển của mình. Thứ hai là về nhân lực, đội ngũ thầy cô giáo. Chúng ta phải thu hút làm sao để giảng viên yên tâm giảng dạy và nghiên cứu.”.

 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình thiết lập môi trường giáo dục quốc tế cần khởi đầu bằng việc sử dụng hiệu quả ngôn ngữ toàn cầu đó là tiếng Anh. Hiện ngành giáo dục – đào tạo TPHCM đang xây dựng đề án phát triển giáo dục thành phố đáp ứng nhu cầu hội nhập trên cơ sở học tập, sàng lọc kinh nghiệm từ các nền giáo dục nổi tiếng. Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM, hướng sắp tới thành phố sẽ có nhiều giải pháp để thu hút học sinh, sinh viên du học “tại chỗ”. Những giải pháp đồng bộ sẽ được đưa ra để nâng chất giáo dục từ bậc phổ thông đến đại học theo hướng tiệm cận khu vực và thế giới. Trước mắt, thành phố sẽ quan tâm đến việc làm sao tạo được hệ thống giáo dục quốc tế ngay tại Việt Nam để người học chẳng cần đi xa:

“Nhu cầu đi du học nước ngoài của học sinh phổ thông và sinh viên Việt Nam hiện nay là rất lớn. Do đó bây giờ thay vì để phụ huynh đưa các em ra nước ngoài học, TPHCM sẽ tổ chức mời các trường về đây xây dựng thành một Đô thị đại học quốc tế.”.

 

Cùng với các giải pháp, các đề án thiết thực, ngành giáo dục – đào tạo TPHCM cũng khuyến khích các trường mở rộng quan hệ hợp tác, chọn lọc chương trình đào tạo phù hợp để tạo thêm cơ hội học tập hiệu quả cho học sinh, sinh viên của mình.