Trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10) vừa qua, khi trò chuyện với bạn bè, chúng tôi thảo luận về một câu hỏi khá thú vị: “Nếu là người tiếp quản Thủ đô thời điểm đó, bạn sẽ làm gì đầu tiên?”.
Tôi trả lời rằng, tôi sẽ chọn việc cần làm đầu tiên là xử lý tổng thể rác thải ở Hà Nội!
Tại sao lại như vậy?
Bởi vì không chỉ Hà Nội, mà có nhiều đô thị khác của chúng ta, đến thời điểm này, việc thu gom rác vẫn diễn ra không khác mấy so với 70 năm trước – thời điểm mà chúng ta tiếp quản Thủ đô.
Tức là từ việc quét rác, thu gom rác ngoài đường vẫn hoàn toàn dựa vào sức người, vẫn là công việc của những người công nhân môi trường đô thị.
Những người công nhân môi trường vẫn hàng ngày ệt mài đẩy xe rác. Nếu rác quá nhiều, một vài công nhân phải ngồi lên xe máy, lắp thêm một thanh kéo để kéo cái xe rác đến điểm tập kết.
Tôi cứ nghĩ rằng đây là “giải pháp” của cơ quan chức năng, nhưng không, một công nhân môi trường nói với tôi rằng: “Đây là cách mà chúng tôi thường làm để giải quyết những xe rác quá đầy, nếu đẩy tay thì quá nặng mà đường thì quá xa”.
Tôi thấy đây là điều tương đối kỳ lạ.
Về mặt pháp lý, chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ đến ngày 1/12/2024 – thời điểm chính quyền các đô thị, địa phương có nghĩa vụ phải hoàn tất phương án thu gom và xử lý rác, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, việc thu gom ở đây được hiểu là thu gom rác sau khi đã được phân loại.
Còn nhớ, năm ngoái, quy định cũng đã có, nhưng tạm thời người dân chưa bắt buộc phải phân loại rác tại nguồn. Nhưng trên thực tế, kể cả nếu người dân có tự phân loại tác tại nhà (tại nguồn), thì số rác phân loại đó lại được tập kết chung vào một vị trí một cách rất đơn giản, rất khó hiểu.
Tôi muốn lấy ví dụ, tất cả các điểm tập kết rác của Hà Nội ở xung quanh khu vực Hồ Tây đều không đảm bảo tiêu chuẩn, ít nhất là theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (phải có điểm tập kết riêng, không để nước từ rác thải rò rỉ ra đường…).
Còn theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và Luật Môi trường đô thị cũng không cho phép được tập kết rác ở trên đường, nhưng tại sao xung quanh Hồ Tây vẫn đang có cả chục điểm tập kết rác? Thậm chí, đã từng có những sự việc đáng tiếc khiến người điều khiển phương tiện xe máy, xe đạp bị tai nạn do tránh hoặc đâm phải xe rác!
Tôi nghĩ, Hà Nội và nhiều đô thị khác cần phải có một cơ quan chuyên trách và cần phải sớm có một giải pháp thu gom, vận chuyển rác. Chúng ta không thể để cho một thành phố, một đô thị có nhiều rác như vậy! Chúng ta không thể để cho các điểm tập kết rác, thu gom rác bẩn như thế này!
Điều này không chỉ cho thấy bộ mặt nhếch nhác của một đô thị, mà nó còn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của từng người dân trong đô thị đó!./.