Thủ đô Paris (Pháp) tắc đường vì… xe đạp

Hiện tại, trên một số đại lộ ở Paris, số lượng xe đạp đã nhiều hơn ô tô vào giờ cao điểm. Tình trạng ùn tắc xe đạp, với dòng người đi từ làn đường này sang làn đường khác, rung chuông và đôi khi mất bình tĩnh, đang trở thành vấn đề đau đầu của giới chức.

Paris (Pháp) đang chịu cảnh tắc đường, thế nhưng nguyên nhân không đến từ ô tô hay xe máy mà bởi xe đạp. Ảnh: AP

Ông Michel Gelernt, 70 tuổi, từng thường xuyên sử dụng xe máy điện và phương tiện giao thông công cộng nhưng sau đó chuyển sang đi xe đạp trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, đến nay vẫn giữ thói quen này. Ông sử dụng Velib’ - hệ thống chia sẻ xe đạp của Paris, cho 80% số chuyến đi của mình. Thế nhưng những ngày gần đây, ông thực sự khá mệt mỏi khi di chuyển bằng xe đạp.

Ông Michel Gelernt chia sẻ: "Paris bây giờ thật khó tưởng tượng được. Mọi người chẳng ai chịu nhường ai, điều này khiến giao thông trở nên tồi tệ. Những người đi xe đạp cũng vậy, họ cũng luôn muốn chen lấn”.

Trên thực tế, người đi xe đạp ở Paris được hỗ trợ ngày càng nhiều. Từ chỉ 200km vào năm 2001, nay người đi xe đạp có hơn 1.000km đường thiết kế riêng hoặc đánh dấu để di chuyển. Các phương tiện cơ giới bị cấm hoàn toàn trên một số con đường, đáng chú ý nhất là bờ kè sông Seine từng là đường cao tốc đông đúc, thì giờ trở thành thiên đường dành cho người đi xe đạp, chạy bộ, gia đình và những người lãng mạn kể từ khi Thị trưởng Hidalgo không cho xe máy lưu thông vào năm 2016.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, anh Eric Fofana, 38 tuổi, làm việc tại một thư viện, chuyển sang đi xe đạp và thấy cuộc đời mình đã thực sự thay đổi: “Khi đi xe đạp, bạn có thể tự do đi bất cứ đâu. Không cần phải đợi tàu điện ngầm hoặc tàu hỏa cuối cùng khi bạn ở vùng xa xôi như ngoại ô hoặc bất cứ nơi nào. Trái ngược với việc bạn đi ô tô bạn không thể đỗ xe ở khắp mọi nơi, một số đường phố bị cấm ô tô. Nói chung, tôi cảm thấy tốt hơn, nhờ đạp xe sức khỏe của tôi tốt lên. Tôi đã giảm được rất nhiều cân mặc dù đó không phải là mục tiêu của tôi”.

Trong khi đó, tuyến đường 2 làn dành cho xe đạp trên Đại lộ Sébastopol đã trở thành một trong những tuyến đường đông đúc nhất châu Âu kể từ khi khánh thành vào năm 2019; đạt kỷ lục 124.000 người sử dụng hàng tuần vào đầu tháng 9.

Đi theo hướng Bắc - Nam trên Đại lộ Sébastopol sẽ đổ vào một tuyến đường sầm uất khác trên Rue de Rivoli đi qua bảo tàng Louvre, cũng đang chứng kiến con số kỷ lục về người đi xe đạp hàng ngày và hàng tuần trong tháng 9.

Tuy nhiên, việc di chuyển trên những con phố đông đúc bằng xe đạp thường được ví như trò chơi điện tử Mario khi liên tục phải vượt chướng ngại vật. Nhưng các nguy hiểm và hậu quả về tai nạn giao thông thì hoàn toàn có thực.

Anh James Manley, người đam mê xe đạp và tài xế xe tải người Anh cho biết: "Tôi là một tay đua xe đạp có kinh nghiệm nên tôi thấy khá an toàn nhưng tôi có thể hiểu rằng nó có thể hơi hỗn loạn, tôi nghĩ là nên mở rộng thêm”.Chính phủ Pháp cho rằng, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 48.000 ca tử vong sớm trên toàn quốc mỗi năm".

Trong một quyết định mang tính bước ngoặt, hồi tháng 6 năm nay, một tòa án ở Paris đã phán quyết bồi thường 5.000 euro cho 2 gia đình có trẻ em bị bệnh do ô nhiễm không khí. Con của họ bị mắc bệnh hen suyễn và các vấn đề sức khỏe khác khi sống gần đường vành đai thường xuyên bị tắc nghẽn do ô tô.

Anh Thibault Quéré - Phát ngôn viên Liên đoàn Những người sử dụng xe đạp (Pháp) cho rằng để chuyển sang đi xe đạp mang lại hiệu quả hơn nữa, thành phố cần nâng cấp cơ sở hạ tầng cho loại phương tiện xanh này: "Với nhiều người việc đi xe đạp khiến họ cảm thấy an toàn hơn. Chúng ta thực sự cần thêm những làn đường cho xe đạp. Chúng ta cần một mạng lưới các con đường an toàn cho người sử dụng xe đạp, đặc biệt là cho các bậc cha mẹ muốn con mình đạp xe đi học. Tôi không thể quên cảnh bố mẹ lái ôtô lúc tan tầm và bị kẹt cứng trong dòng xe ngày còn bé. Nhưng giờ đây ùn tắc giao thông do xe đạp và chưa có hướng giải quyết".

Được biết, “Kế hoạch xe đạp” 5 năm lần thứ hai của Thị trưởng Hidalgo dự kiến đầu tư bổ sung 250 triệu euro (khoảng hơn 6.400 tỷ VNĐ) vào năm 2026, hầu hết là để tạo thêm đường và chỗ để cho xe đạp. Con số này nhiều hơn 100 triệu euro so với kế hoạch xe đạp ở nhiệm kỳ đầu tiên của bà.

Tòa thị chính Paris cho biết, tất cả các địa điểm tổ chức Olympic sẽ có lối đi cho xe đạp từ ngày 26/7 đến ngày 8/8/2024 trên mạng lưới xe đạp dài 60km.

Còn tại Việt Nam, trước tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng tại các đô thị, người dân được khuyến khích chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông phi cơ giới, đặc biệt là xe đạp.

Hiện dự án “Xe đạp công cộng” đang được triển khai tại nhiều thành phố nhằm thay đổi nhận thức và thói quen đi xe đạp của người dân, qua đó giúp bảo vệ môi trường.

Nhiều chuyên gia khẳng định để thu hút người dân sử dụng loại phương tiện xanh này, việc cần làm đầu tiên là phải giải quyết vấn đề hạ tầng.

Mặt khác, để tránh đi vào “vết xe đổ” như thủ đô Paris (Pháp), cơ quan quản lý cần đưa ra một lộ trình phát triển hợp lý, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, làn đường dành riêng cho xe đạp, có như vậy mới bền vững và hiệu quả.