Thiếu trạm sạc, nhiều người chần chừ chưa dám chuyển sang xe điện

Mặc dù trạm sạc là yếu tố đầu tiên, có tính quyết định đến việc mua sắm, sử dụng xe điện của người dân, song đến nay, các chính sách ưu đãi, phát triển trạm sạc chưa được chú trọng khiến quá trình thúc đẩy chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện diễn ra chậm và khó.

Hệ thống sạc được lắp đặt tại một chung cư trên địa bàn Hà Nội  (Ảnh nh họa: Báo Nhân Dân)

Sở hữu 3 chiếc xe ô tô để vừa kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ, vừa sử dụng xe gia đình, song anh Nguyễn Minh Đức (Cầu Giấy, Hà Nội) rất băn khoăn khi nghĩ đến việc đổi sang xe điện.

Một trong những lý do khiến anh Đức chưa quyết định chuyển sang xe điện là do thiếu trạm sạc: "Hệ thống sạc rất hạn chế và chỉ phục vụ đi với cự ly ngắn thôi. Quanh nhà tôi chắc phải tầm 3-4 cây gì đó, chứ loanh quanh trong phạm vi ngăn, 2-3 cây thì không có, mặc dù ở ngay Cầu Giấy. Đấy là một trở ngại rất lớn"

Anh Nguyễn Minh Hiếu (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng đang cân nhắc việc đổi sang xe điện, song vợ anh lại không đồng ý, bởi qua tìm hiểu, chỗ có trụ sạc gần nhất cũng cách nhà 2-3km. Bởi vậy, dù có kế hoạch đổi xe mới, song anh Hiếu vẫn chưa chốt phương án nào: "Xe xăng thì người ta có thể đi và dừng lại đổ xăng luôn hoặc đi đến bất kỳ chỗ nào cũng có, vì cây xăng nhiều. Nhưng xe điện thì phải tính toán, vì pin của nó đi được tầm khoảng 400km, thì anh phải tính toán để sạc thôi. Xe điện thì người ta lo nhất là sạc thôi"

Ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành Công ty TNHH ô tô BYD Việt Nam

Chia sẻ tại hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến” do Báo Đầu tư tổ chức, diễn ra sáng 29/8, ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành Công ty TNHH ô tô BYD Việt Nam cho hay, hầu hết các chung cư đều không có trạm sạc, thậm chí có nơi, bảo vệ từ chối trông giữ xe điện. Theo ông Lực, việc lắp đặt trạm sạc trong chung cư là hoàn toàn khả thi và cần thiết, nhưng có nghiên cứu thấu đáo, chưa xử lý được điều này:

"Nói tới vấn đề về xe điện, là ai cũng phải nói tới vấn đề về trạm sạc. BYD đã tiếp cận rất nhiều khách, khách hỏi về xe xong đều hỏi: em sạc ở đâu, sạc chỗ nào, có đi xa được không. Tất cả những người ở chung cư đều là khách hàng tiềm năng về xe điện, vì dưới hầm họ đều có chỗ hết rồi. Cái này cũng là khó khăn hiện nay và hiện chúng ta chưa có chính sách thu hút đầu tư trạm sạc. Thực sự là vậy. Nếu chúng ta có chính sách thu hút như vậy mới nhanh được, còn không thì chắc chắn sẽ ít, sẽ chậm"

Để phát triển xe điện hóa, ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, VAMA đã có những ý tưởng về lộ trình như chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn khởi đầu, cần kích cầu trên thị trường với ưu đãi nhiều như về thuế, phí cho các dòng xe, đặc biệt là hỗ trợ quy định tiêu chuẩn phát triển, tiêu chuẩn về trạm sạc, mạng lưới sạc nhanh hoặc sạc tại nhà để tạo niềm tin cho người tiêu dùng:

"Kinh nghiệm của các nước cho thấy, để phát triển được dòng xe điện thì trạm sạc là một hệ thống, một điều kiện tiên quyết và cũng cần phải dược hỗ trợ của Chính phủ, để làm sao đảm bảo chi phí hợp lý, khách hàng có thể chịu được, chấp nhận được"

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng thừa nhận, để phát triển xe điện, hạ tầng phải đồng bộ, trong đó bao gồm cả hạ tầng trạm sạc và nguồn điện sạch. Trong đó, vai trò định hướng, hỗ trợ phát triển trạm sạc đóng vai trò then chốt.

 "Ở đây chúng ta tiếp cận theo hướng tạo ra hiệu quả trong việc giảm phát thải thì đòi hỏi cả một quá trình, từ việc sản xuất điện, điện sạch, đến việc xây dựng các trạm hạ tầng cũng như tạo ra các thể chế hỗ trợ. Một trong những công cụ đó chính là việc thiết lập hành lang pháp lý với các quy chuẩn kỹ thuật cho các trạm sạc cũng như quy hoạch về trạm sạc để đảm bảo có hạ tầng cần thiết cho việc tăng trưởng xe xanh", TS Nguyễn Minh Thảo cho biết.

Một số ý kiến bày tỏ, để phát triển giao thông xanh tại Việt Nam, cần xây dựng chương trình chuyển đổi sang sử dụng điện và năng lượng xanh cho nhiều loại phương tiện khác nhau. Điều này đòi hỏi việc khuyến khích và hỗ trợ người dân cũng như doanh nghiệp sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường hơn. Trong đó, những chính sách của Nhà nước để thu hút nguồn lực vào việc xây dựng hệ thống hạ tầng phù hợp, đặc biệt là hệ thống trạm sạc sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Trước đó, đầu tháng  8 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Công Thương sớm trình cơ chế tính giá điện cho các trạm sạc. Cùng với đó, Phó thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng hướng dẫn địa phương bổ sung quy hoạch về trạm, trụ sạc điện trong xây dựng đô thị, hạ tầng giao thông.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư trạm, trụ sạc điện về đất đai, quy hoạch, thuế, phí... để giúp việc chuyển đổi năng lượng xanh trong giao thông được nhanh chóng, thuận lợi.