Thiếu hệ sinh thái phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô

Sáng nay (10/6), UBND thành phố Hà Nội tổ chức buổi Tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045- Thực trạng và giải pháp”.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Sự kiện có sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp, cộng đồng sáng tạo đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên 13 lĩnh vực được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ.

Thủ đô Hà Nội từ những năm 90 của thế kỷ XX đã xuất hiện nhận thức về lao động sáng tạo văn hóa - nghệ thuật, coi đó là loại lao động đặc biệt và bắt đầu tìm tòi nhiều phương thức mới để phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường.

Tuy vậy, công nghiệp văn hóa ở nước ta cho tới nay vẫn là vấn đề mới.

Nghệ sĩ Quốc Trung đóng góp ý kiến

Hà Nội là trung tâm lớn về văn hóa của cả nước với 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, 1.350 làng nghề hội tụ các chủ thể sáng tạo. Năm 2019, Hà Nội trở thành một trong 3 thủ đô ở Đông Nam Á nằm trong mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Nhưng để phát triển văn hóa như một ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố lại đang gặp vô vàn thách thức.

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh

Thị trường văn hóa hiện nay còn manh mún, tự phát, không mang tính chuyên nghiệp và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Theo tham luận của Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh: “Chúng ta nói nhiều tới việc tổ chức các sự kiện văn hóa mà chưa nghĩ tới xây dựng đời sống văn hóa. Chúng ta phải có công dân hóa, công dân sáng tạo. Để làm được điều đó thì phải xây “tổ”, tạo ra các cộng đồng. Thành phố 10 triệu dân chưa có một cái tổ nào cho cộng đồng sáng tạo”.

Phát triển công nghiệp văn hóa chính là con đường để văn hóa thủ đô có thể tạo công ăn việc làm, phân bố lại lao động đa dạng hơn; vừa tham gia cạnh tranh trên thị trường văn hóa quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: Trong Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô, giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có đưa ra các nhân tố quyết định. Một trong số đó là tạo ra thị trường văn hóa năng động trong đó có thế hệ trẻ yêu thích và am hiểu nghệ thuật. Đây là câu chuyện đường dài”.

Theo số liệu được đưa ra tại cuộc tọa đàm này, trong giai đoạn 2020-2025, TP.HCM phấn đấu doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GDP. Trong khi đó, thủ đô Hà Nội cùng việc xác định văn hóa là sức mạnh nội sinh cũng đang ưu tiên nguồn lực xây dựng ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn mới./.