Thích ứng với ùn tắc giao thông mùa Tết

Nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc lên một lộ trình trước, trong và sau Tết, hoặc nếu lần đầu bạn tự lái xe trên một chuyến đi xa, bạn có thể tham khảo một số thông tin sau đây để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng từ ùn tắc giao thông.

Chỉ còn vài ngày nữa là tới kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 1 tuần. Các tuyến đường nội đô, cửa ngõ, vành đai, cao tốc, quốc lộ cũng đang trong giai đoạn cao điểm về giao thông.

Người người đổ ra đường sắm Tết, đã xuất hiện những dòng xe hồi hương nối đuôi nhau rời thành phố, hoặc tranh thủ ngày nghỉ về thăm quê. Tình hình “nóng” đến mức, có người đã phải thốt lên “Ra khỏi nhà là gặp… tắc đường!”.

Nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc lên một lộ trình trước, trong và sau Tết, hoặc nếu lần đầu bạn tự lái xe trên một chuyến đi xa, bạn có thể tham khảo một số thông tin sau đây để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng từ ùn tắc giao thông.

Ảnh nh họa. Nguồn: Thanh niên

 

Đầu tiên, các bác tài cần chắc chắn phương tiện còn hạn đăng kiểm, được bảo dưỡng định kỳ đúng quy định, đảm bảo chúng hoạt động tốt, không gặp trục trặc trong một hành trình dài. Hãy chú ý điều kiện thời tiết, đường sá nơi sẽ đi qua, lưu lại các số đường dây nóng về cứu hộ hoặc ủy ban ATGT Quốc gia, để đánh giá an toàn chuyến đi, có sự chuẩn bị trước khi khởi hành.

Tiếp theo, các bạn nên theo dõi sát thông tin chỉ dẫn từ nhà chức trách, lực lượng chức năng để tránh đi vào những điểm nóng như nhà ga, cảng hàng không, bến tàu, bến xe, huyết mạch vận tải hàng hóa, khu vực đang có công trường thi công dang dở...

Được biết, từ 20 Tết, cảnh sát giao thông TP.HCM đã gửi khuyến cáo đi lại cho người dân. Trong khi đó, hôm 26 Tết, Sở GTVT Hà Nội cũng đã công bố chi tiết phân luồng giao thông để phương tiện ra vào hoặc đi qua trung tâm thành phố theo 6 hướng. Các bạn có thể dễ dàng tra cứu trên mạng.

Một mẹo nhỏ trong quá trình lưu thông: các bác tài có kinh nghiệm thường bật đài FM hoặc bản đồ thời gian thực để cập nhật thường xuyên trạng thái giao thông và kịp thời thay đổi lộ trình nếu phía trước có các sự cố hoặc ùn tắc xảy ra. Khi rời khỏi và trở lại thành phố, tốt nhất nên tránh giờ cao điểm, thậm chí có thể đi trước ngày cuối kỳ nghỉ.

Còn trong trường hợp bất khả kháng, nếu bạn không may bị kẹt lại trong một vụ ùn tắc, vẫn luôn có cách để chủ động trong mọi tình huống.

Không phải ngẫu nhiên, nhiều bác tài rỉ tai nhau cách để chống đói lả hoặc mang theo dụng cụ gì, làm thế nào “giải quyết nỗi buồn” trong quá trình chờ đợi hàng giờ.

Trong một số hoàn cảnh, nhiều chủ phương tiện thay vì chịu trận, đã tham gia cải tạo hoàn cảnh. Họ xuống xe, giúp phân làn, gỡ rối các luồng giao thông, nhường đường cho xe cứu hộ; Gọi điện về tổng đài VOV Giao thông để cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng nắm bắt, phân luồng từ xa, giải quyết sự cố.

Trong quá trình bị kẹt xe, trễ nải lịch trình, các bạn nên gọi điện báo người thân, đồng nghiệp để họ có sự chuẩn bị tâm lý, phương án dự phòng. Làm việc từ xa đã không còn quá lạ lẫm với nhiều người. Do đó, một thiết bị như máy tính bảng, laptop có kết nối mạng sẽ giúp “chữa cháy” trong trường hợp cần kíp, không gây gián đoạn công việc.