Thị trường Việt Nam có ảnh hưởng bởi bê bối gian lận của Daihatsu - Toyota

Vụ bê bối gian lận thử nghiệm an toàn của Daihatsu – Toyota đang là tâm điểm, thu hút sự chú ý của dư luận thời gian gần đây.

Gian lận của Daihatsu - Toyota bị phát hiện những ngày cuối năm 2023, được xem là một trong những vụ bê bối lớn nhất làng xe toàn cầu trong thế kỷ 21.

Dây chuyền sản xuất ở nhà máy Daihatsu - Ảnh: Daihatsu

Sự việc khởi đầu từ một tố giác hồi tháng 4/2023. Theo đó, chính một người trong nội bộ của Daihatsu tố cáo hãng này gian lận trong bài kiểm tra an toàn va chạm bên hông xe.

Cụ thể, các mẫu xe thử nghiệm bài va chạm bên hông đã được gia cố ở viền cánh cửa để giảm thiểu rủi ro những mảnh vỡ có thể gây nguy hiểm cho người ngồi bên trong. Đáng nói mẫu ô tô Daihatsu mang đi thử nghiệm khác với những chiếc xe bán đến tay khách hàng. Theo thống kê, có 88.000 xe Toyota Vios và Perodua Axia liên quan đến hành vi gian dối.

Ngày 20/12, một ủy ban điều tra độc lập tìm thấy thêm nhiều sai phạm mới, ngoài những hành vi đã được phát hiện, sau 25 đợt kiểm tra xe,.

Ông Makoto Kaia, Chủ tịch ủy ban điều tra của bên thứ ba cho biết: “Tổng cộng có 174 hành vi gian dối được phát hiện, trong đó trường hợp lâu nhất là từ năm 1989. Tuy nhiên, các vụ gian lận đặc biệt phổ biến từ sau năm 2014”.

Cụ thể, túi khí được Daihatsu sử dụng trong các thử nghiệm an toàn của một số mẫu xe khác biệt so với túi khí trên xe bán ra thị trường, bao gồm các mẫu Toyota Town Ace và Pixis Joy cũng như Mazda Bongo.

Bên cạnh đó là các gian dối khác như tốc độ thử nghiệm va chạm không đúng chuẩn, gian lận khí thải, báo cáo giả mạo về tác động liên quan đến tựa đầu ghế. Tổng số mẫu xe liên quan đến bê bối theo đó tăng lên 64, gồm gần 20 mẫu được bán ra dưới thương hiệu Toyota.

Ông Soichiro Okudaira, chủ tịch Daihatsu cúi đầu xin lỗi tại họp báo ở Tokyo, ngày 20/12 - Ảnh: REUTERS

Ông Soichiro Okudaira, chủ tịch Daihatsu thừa nhận: “Với tư cách là nhà sản xuất ô tô, sự việc này khiến nền tảng chúng tôi xây dựng lâu nay bị lung lay. Điều này rất nghiêm trọng. Chúng tôi quyết định tạm dừng hoạt động bàn giao xe cho tới khi được cơ quan quản lý cho phép”.

Khi được truyền thông Nhật Bản hỏi, liệu có từ chức sau vụ bê bối hay không, ông Soichiro Okudaira cho biết, ‘chưa thể nói gì về tương lai ở thời điểm này’, nhưng hứa hẹn sẽ nỗ lực cải tổ Daihatsu để ngăn chặn trường hợp tương tự tái diễn: “Những nhà quản lý phải gánh vác khó khăn trong doanh nghiệp. Tôi không thể rời bỏ vị trí mỗi khi gặp khó khăn. Tôi tin rằng chúng tôi phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì diễn ra sau kết luận điều tra. Chúng tôi xin lỗi khách hàng vì sự việc này”

Toyota cho biết, những mẫu xe liên quan đến bê bối bao gồm cả xe cho thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia và Việt Nam. Các nước Trung và Nam Mỹ như Mexico, Ecuador, Peru, Chile, Bolivia và Uruguay. Theo đại diện hãng xe Nhật Bản, họ chưa ghi nhận được báo cáo tai nạn nào liên quan tới những gian lận này.

Tuy nhiên, với tư cách là công ty mẹ của Daihatsu, ông Akio Toyoda, Chủ tịch Hội đồng quản trị Toyota khẳng định, hành vi sai trái của Daihatsu là vấn đề liên quan đến an toàn, khía cạnh quan trọng nhất của phương tiện. Ông Toyoda coi đây là hành động hoàn toàn không thể chấp nhận được, phản bội niềm tin của người tiêu dùng, đồng thời gửi lời xin lỗi đến khách hàng trên toàn thế giới.

“Kiếm củi ba năm thiêu một giờ”. Nhiều ý kiến cho rằng, vụ bê bối gian lận của Daihatsu có thể làm hoen ố hình ảnh của thương hiệu ô tô nổi tiếng Nhật Bản. Theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, đây là vụ việc ‘cực kỳ đáng tiếc’, làm xói mòn lòng tin của người sử dụng ô tô và ảnh hưởng đến nền tảng của hệ thống chứng nhận xe.

Chia sẻ quan điểm này, ông Ryuji Komori, Giám đốc điều hành một đại lý ô tô ở Osaka cho biết: “Đây là một vấn đề lớn bởi nó có thể đe dọa tính mạng người dùng. Tôi nghĩ hãng xe sẽ mất nhiều sự tín nhiệm và bị không ít khách hàng quay lưng”.

Các quan chức Nhật Bản kiểm tra trụ sở chính của Daihatsu ở tỉnh Osaka, ngày 21/12 - Ảnh: Kyodo

Được biết, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản hiện yêu cầu Daihatsu không chỉ dừng giao toàn bộ xe mới mà còn tạm dừng cả việc sản xuất và chưa rõ khi nào sẽ tiếp tục hoạt động trở lại bình thường.

Các nhà phân tích cho biết, sự cố sẽ tác động không nhỏ đến lợi nhuận của Toyota. Cụ thể, việc đình chỉ sản xuất trong một tháng, có thể khiến doanh thu của hãng này giảm 240 tỷ yên (gần 1,7 tỷ USD).

Liên quan đến lùm xùm xung quanh thử nghiệm an toàn của Daihatsu, ngày 21/12, Toyota Việt Nam cho biết sẽ nhanh chóng thực hiện các công việc cần thiết để kiểm tra và xử lý vấn đề. Theo đó, hãng ô tô Nhật Bản chủ động tạm dừng việc chuyển những lô xe có liên quan đến Daihatsu tới đại lý và thông báo chỉ 1 mẫu xe bị ảnh hưởng là Avanza Preo phiên bản số sàn (MT)

Toyota Việt Nam sẽ khôi phục quá trình bán hàng trở lại dành cho Avanza Preo MT sau khi nhận được thông tin từ cơ quan kiểm tra và chứng nhận độc lập ở nước ngoài. 

Tại Việt Nam, Toyota phân phối 5 dòng xe có liên quan trực tiếp tới Daihatsu, bao gồm: Wigo, Raize, Veloz Cross, Avanza Preo, và Yaris Cross. Đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Toyota chỉ mới xác nhận có mẫu Avanza Preo MT chịu ảnh hưởng từ bê bối của Daihatsu (liên quan đến thử nghiệm khí thải và tiêu thụ nhiên liệu), còn các mẫu xe khác đều không ảnh hưởng.