Tháo vướng mắc giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm ngành GTVT

Đó là nội dung của Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng về việc thực hiện giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm ngành GTVT.

Ảnh nh họa

Chỉ thị nêu rõ, thời gian vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải, đạt kết quả quan trọng góp phần cải thiện bộ mặt hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên một số dự án trọng điểm quốc gia đang thực hiện bị chậm tiến độ, trong đó có nguyên nhân do vướng mắc mặt bằng chưa được giải quyết triệt để như các dự án: Dự án đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2); Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân); Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương; Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT; điều này đã ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Để đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án, cần tập trung giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện, trong đó có vướng mắc về mặt bằng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và các địa phương liên quan tập trung tối đa để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc về mặt bằng đối với các dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải đang thực hiện.

Cụ thể, Bộ GTVT thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc về mặt bằng của dự án.

Thi công cao tốc Bến Lức - Long Thành

UBND các tỉnh, thành phố nơi có dự án đi qua (Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang) huy động toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, bàn giao mặt bằng sạch phục vụ thi công trong thời gian sớm nhất, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo Chủ đầu tư dự án thành phần giải phóng mặt bằng (GPMB) và các ban, ngành của địa phương thực hiện tốt công tác tổ chức, tuyên truyền, vận động mọi tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng, ý nghĩa của công trình; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện GPMB của dự án; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Bên cạnh đó, thực hiện kịp thời các thủ tục và triển khai giải quyết các vướng mắc về mặt bằng thuộc phạm vi dự án; đồng thời, thực hiện tốt công tác giải quyết các kiến nghị, khiếu nại liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo đúng quy định của pháp luật (hạn chế tình trạng khiếu kiện phức tạp).

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Chủ đầu tư dự án, Ban Quản lý dự án trong việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ thi công, áp dụng các biện pháp hành chính cần thiết theo quy định.

Dự án Tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn – ga Hà Nội sau nhiều lần điều chỉnh cả về vốn và tiến độ, dự kiến dự án hoàn thành khai thác đoạn trên cao vào tháng 4/2021 và khai thác toàn tuyến vào tháng 12/2022.

Dự án xây dựng tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (TP HCM, Long An, Đồng Nai) dài 57,8km đã thi công đạt 71,3% khối lượng, Tiến độ thi công dự án chậm trễ so với kế hoạch, dự kiến cuối năm 2019 đưa vào sử dụng trước 20km cao tốc.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài hơn 51 km với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa - đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương và điểm cuối tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Dự án được khởi công lần đầu tháng 11/2009 kéo dài cho đến nay đã 10 năm. Dự kiến dự án thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành vào ngày 30/4/2021.