PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng - đại diện Viện Khoa học và công nghệ GTVT và ông Nguyễn Viết Quang - Trưởng phòng quản lý hạ tầng số 2 trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TP.HCM về nội dung này.
PV: Xin chào ông Nguyễn Tiến Dũng, ông đánh giá như thế nào về tình trạng giới hạn tĩnh không của cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 đối với hoạt động giao thông chung của TPHCM?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Việc hạn hữu về khổ thông cầu là những vấn đề nhức nhối của thành phố, TP đã có chủ trương nâng tĩnh không 2 cầu Bình Triệu 1 và Bình Phước 1 để hoà đồng chung với giao thông thuỷ của TP.HCM, hạn chế được tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn, mặt khác cũng rất tốt cho giao lưu hàng hoá đi và đến TP.HCM cũng như các tỉnh thành khác.
Trước mắt có thể là 2 cầu này, sắp tới có thể có nhiều cầu được nâng lên để sớm đồng bộ với hệ thống giao thông thuỷ toàn thành phố, giúp cho việc vận chuyển hàng hoá thuận tiện hơn.
PV: Đây là 2 cầu rất phức tạp trên 2 tuyến quốc lộ huyết mạch, công tác thi công cũng hứa hẹn nhiều thử thách. Vậy đơn vị Tư vấn giám sát sẽ làm gì để đảm bảo công tác thi công thuận lợi, chất lượng?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Đây là 2 cây cầu vừa thi công vừa lưu thông nên công tác đảm bảo an toàn giao thông an toàn lao động chúng tôi đặt lên hàng đầu để vừa đảm bảo chất lượng dự án vừa đảm bảo sự lưu thông của người dân thành phố qua lại trên 2 cây cầu này.
PV: Xin chào ông Nguyễn Viết Quang, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của cầu Bình Triệu 1, Bình Phước 1 trong mạng lưới giao thông TP.HCM?
Ông Nguyễn Viết Quang: Cầu Bình Triệu 1 và Bình Phước 1 là 2 trong số 14 cây cầu trên sông Sài Gòn và cả 2 cầu này đều không đủ điều kiện của sông cấp 2 là 7 mét đến 9 mét. Với sự chỉ đạo của UBND TP.HCM, chúng tôi đã đề xuất nâng tĩnh không của 2 cầu này lên để đảm bảo mức sông cấp 2, tức là tối thiểu 7 mét.
PV: Việc thi công 2 cầu này trong điều kiện giao thông đông đúc trên quốc lộ 1, quốc lộ 13 sẽ có những thử thách gì thưa ông?
Ông Nguyễn Viết Quang: Chắc chắn sẽ có khó khăn và thử thách tuy nhiên chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế thời gian điều tiết giao thông tại khu vực thi công dự án.
Bước đầu chúng tôi sẽ triển khai dưới nền hạ cầu nên chưa ảnh hưởng nhưng khi đến giai đoạn kích nâng cầu thì phải tổ chức giao thông cho các loại phương tiện khác nhau đi ở các hướng khác nhau.
PV: Phương pháp mà chúng ta dự kiến triển khai ở dự án này là gì?
Ông Nguyễn Viết Quang: Phương pháp chính là kích cầu, trước mắt sẽ gia cường mố trụ cầu sau đó thực hiện nâng đủ tĩnh không của 2 cầu này.
PV: Ông có thể chia sẻ thêm về các ý kiến tư vấn của các bên liên quan, các chuyên gia cho ý tưởng nâng tĩnh không 2 cầu này?
Ông Nguyễn Viết Quang: Thực sự thì ý tưởng này đã có từ lâu nhưng với chiều cao mỗi cầu trên 1 mét là tương đối cao.
Trong quá trình thiết kế, khảo sát chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ, đồng thời cũng tham vấn ý kiến của các chuyên gia đầu ngành để làm sao đảm bảo an toàn nhất trong quá trình thi công cũng như khai thác đưa vào sử dụng sau đó.
PV: Chúng ta sẽ có giải pháp gì để hạn chế ảnh hưởng tới người dân trong quá trình thi công?
Ông Nguyễn Viết Quang: Đối với việc tổ chức giao thông thuỷ lẫn giao thông bộ thì khi triển khai sẽ có ảnh hưởng. Chúng tôi sẽ hạn chế tối đa phương án tổ chức giao thông, chỉ đến khi đến giai đoạn kích cầu thì mới tổ chức giao thông thuỷ và bộ.
Cũng rất mong bà con bị ảnh hưởng trong thời gian thi công thông cảm, chia sẻ với chúng tôi trong quá trình kích nâng cầu để dự án sớm hoàn thành, đảm bảo kết nối vùng giữa TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh.
PV: Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!