Tăng tốc tiêm vaccine cho công nhân, không thể trông chờ '3 tại chỗ'

Tình trạng bùng phát dịch bệnh ngay trong các nhà máy “3 tại chỗ” (ăn, ở và sản xuất tại chỗ) đang khiến một số doanh nghiệp lao đao, địa phương gặp khó, và khiến nhiều doanh nghiệp khác chùn bước, dù rất muốn tham gia phương án này, vì rủi ro quá lớn.

Vậy làm thế nào để sản xuất không đứt gãy trước nguy cơ tấn công của dịch bệnh? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thanh Hà - Quyền Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về vấn đề này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

PV: Sau một thời gian triển khai phương án "3 tại chỗ" nhiều doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với dịch bệnh bùng phát từ bên trong DN, thực tế này đang đặt ra những vấn đề gì?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Mới đầu việc sản xuất "3 tại chỗ" trở thành mô hình, trận địa an toàn để DN và người lao động ổn định sản xuất.

Sau 1 tháng thực hiện lại xuất hiện một vấn đề là lây lan dịch bệnh và trở thành một ổ dịch. Vì việc kiểm soát không được chặt chẽ, việc phân loại các mối quan hệ, các mối tiếp xúc của chính công nhân cũng không chặt chẽ.

Có thể thấy "3 tại chỗ" đã bộc lộ nhiều nguy hiểm, trở thành bài học xương máu về kẽ hở khiến cho COVID-19 có thể “chui” được vào nhà máy.

Do đó cần cần điều chỉnh ngay. Đối với DN khi đã đảm bảo chắc chắn không có nguồn lây mới được thực hiện "3 tại chỗ”. 

PV: Trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan, nếu tiếp tục sản xuất thì nguy cơ, rủi ro về dịch bệnh rất cao, nhưng nếu dừng sản xuất sẽ ảnh hưởng tới đứt gãy sản xuất. Vậy Tổng Liên đoàn lao động VN có đề xuất gì?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Một trong những giải pháp mà Tổng Liên đoàn luôn đề xuất với Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương là đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine cho công nhân.

Thứ hai là test để phân loại, nếu không có hệ thống test nhanh đáp ứng yêu cầu thì sẽ khó khăn trong vấn đề đưa người lao động quay trở lại nhà máy sản xuất.

Một vấn đề nữa, DN phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền cũng như các cấp công đoàn để đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine và test cho công nhân. Trên cơ sở đó một bộ phận công nhân không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vẫn có thể tiếp tục lao động sản xuất.

PV: Xin cảm ơn bà!  

---

Nghe thêm Nhật ký Đô thị trên Apple Podcast: