Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá: Cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, thuộc top 15 quốc gia trên thế giới có tỷ lệ nam giới hút thuốc là nhiều nhất với tỷ lệ trên 45%.

Mỗi năm Việt Nam có 40.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, con số này dự kiến tăng lên 70.000 ca vào năm 2030. Chi phí y tế do các bệnh liên quan đến thuốc lá là hơn 108 nghìn tỷ đồng/năm, gấp 5 lần tiền thu thuế từ thuốc lá.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ giúp thay đổi hành vi của người tiêu  dùng, giảm bớt gánh nặng chi phí y tế ra sao? Phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nào  phù hợp với Việt Nam để hoàn thành mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống tại hại thuốc lá đã đưa ra? 

Đón nghe Diễn đàn 91, phát sóng trực tiếp lúc 12h30-13h30, thứ Năm (03/10/2024 trên tần số FM91 của Kênh VOV Giao thông Hà Nội và TP. HCM và vovgiaothong.vn với chủ đề: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá: Công cụ cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. 

Cùng sự tham gia của các vị khách mời: BS Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe; Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá và TS Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và phát triển

40.000 ca tử vong sớm mỗi năm

Anh Hoàng Hải, 40 tuổi sống tại quận Tây Hồ, Hà Nội có thâm niên hút thuốc lá hơn 10 năm. Đối với anh Hải, chi phí bỏ ra để mua thuốc lá chiếm tỷ lệ không đáng kể trong chi tiêu hàng ngày:

"Mỗi ngày hút khoảng 1 bao, 26 nghìn đồng. Với cá nhân em thấy mức chi phí cũng bình thường. Em không quan tâm đến việc đánh thuế đối với thuốc lá vì hút thuốc đã thành thói quen"

Ảnh nh hoạ

Theo quan sát của phóng viên, tỷ lệ nam giới sử dụng thuốc lá tại các quán cà phê chiếm tới 30%, việc mua và sử dụng thuốc lá hết sức dễ dàng.

Hút thuốc từ năm 18 tuổi, anh Trần Văn Tuấn ở quận Thanh Xuân, Hà Nội vẫn chưa có ý định cai thuốc lá. Bởi với mức giá 15 nghìn/ bao thuốc nếu mua lẻ và 12 nghìn đồng/ bao thuốc nếu mua nhiều hoàn toàn nằm trong khả năng chi trả của gia đình.

Mặt khác, theo anh Tuấn, việc hút thuốc không mấy ảnh hưởng đến sức khỏe: "Mình thấy bình thường, cơ thể mình đáp ứng được. Mình cứ lấy thuốc lá  làm thước đo, nếu khi nào thấy đắng mồm thì sức khỏe có vấn đề. Còn nếu hút thấy ngon, sức khỏe vẫn tốt"

Trong khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khoẻ sinh sản cả nam và nữ.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, tác hại của thuốc lá gây ra những gánh nặng về sức khỏe, làm tăng chi phí y tế: "Tiền để bỏ ra để chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá cao hơn rất nhiều so với thu thuế. Chi phí nào có thể tính được nếu hút thuốc lá bị ung thư phổi, ung thư dạ dày rồi nhất nhiều loại, các bệnh lý liên quan đến phổi, bệnh tim mạch, mạch vành, đột quỵ. Mắc bệnh tốn tiền cả về cá nhân, cơ sở làm việc y tế, bảo hiểm. Đấy là những chi phí trực tiếp, ung thư ngoài mất thời gian sống còn giảm về năng suất lao động, thời gian nghỉ,…"

Theo bà Hạnh Nguyên, cán bộ quản lý Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và Bệnh không lây nhiễm, tổ chức Healthbridge của Canada, mặc dù tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam có giảm từ mức 47,4% vào năm 2010, xuống còn 45,3% vào năm 2015 và hiện nay ở mức 41,1% (theo điều tra mới nhất vào năm 2021), tuy nhiên mức giảm khiêm tốn và tỷ lệ hút thuốc lá vẫn ở mức cao.

"Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra dấu hiệu rất đáng lo ngại về gánh nặng bệnh tật cũng như gánh nặng chi phí y tế ở Việt Nam. Cụ thể, theo Kết quả nghiên cứu gánh nặng toàn cầu ước tính tại Việt Nam cho năm 2021, tử vong quy cho thuốc lá ở Việt Nam chiếm tới 15% tổng số ca tử vong trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, chi phí quy cho thuốc lá bao gồm chi phí khám chữa bệnh, chi phí do chữa bệnh và tử vong sớm bởi thuốc lá cũng rất lớn. Theo nghiên cứu mới nhất của Hội kinh tế y tế năm 2022, chi phí này lên tới 108 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm tới hơn 11% GDP", bà Hạnh Nguyên cho biết.

Ảnh nh hoạ

Theo Tổ chức y tế thế giới ước tính, Việt Nam mỗi năm có khoảng 40 nghìn người tử vong do liên quan đến thuốc lá, số người tử vong vì ung thư phổi 25 nghìn ca. Chi phí y tế do các bệnh liên quan đến thuốc lá cao hơn  gấp 5 lần số thuế thu được từ thuốc lá.

BS Nguyễn Tuấn Lâm, Cán bộ Kỹ thuật, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phân tích, hiện nay Việt Nam đã sử dụng nhiều biện pháp phòng, chống thuốc lá như truyền thông, in cảnh báo, hỗ trợ cai thuốc, cấm quảng cáo...nhưng giải pháp gần như đã bão hòa. Nếu tiếp tục giữ nguyên mức thuế thuốc lá hiện nay, kịch bản xấu có thể xảy ra/

"Chúng tôi đưa ra phương án, giả sử mức thuế này không tăng thì tỷ lệ hút thuốc trong những năm tới sẽ gia tăng. Năm 2021, tỷ lệ hút thuốc 41%, nếu không có biện pháp thuế đến năm 2030 dự kiến tăng lên 43%. Với việc gia tăng tỷ lệ hút thuốc và dân số gia tăng, nếu không có biện pháp can thiệp thuế sẽ tăng thêm 2,5 triệu người hút thuôc. Vấn nạn hút thuốc ngày càng trầm trọng với việc ngày càng nhiều cao bệnh tật, tử vong sớm, tổn thất kinh tế"

Một số chuyên gia cho biết, mặc dù Việt Nam có vài đợt tăng thuế nhưng mức tăng không nhiều. Trong giai đoạn từ 2010-2022, giá thuốc lá tăng khoảng 50% trong khi thu nhập đầu người tăng 300% là nguyên nhân khiến mức tiêu thụ thuốc lá có xu hướng tăng. Số liệu đưa ra bởi Tổng cục Thống kê gần đây cho thấy mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại. Từ năm 2022 đến năm 2023, tổng sản lượng sản xuất đã tăng hơn 10%. Do vậy, nhiều ý kiến đề xuất, Việt Nam cần tăng thuế thuốc lá để thực hiện mục tiêu giảm tiêu thụ thuốc lá đã đề ra, BS Nguyễn Tuấn Lâm cho biết.

Đánh thuế “mạnh tay” để giảm tỷ lệ người hút thuốc

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có những nghiên cứu công phu và đưa ra kết luận, phương pháp đánh thuế là biện pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất để giảm thiểu sử dụng thuốc lá.

Nếu thuế thuốc lá tăng 10% sẽ giúp giảm số lượng người hút thuốc xuống 4% ở các nước  phát triển và 5% ở các nước đang phát triển.

Ảnh nh hoạ

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng bộ môn Phân tích Chính sách Tài chính, Học viện Tài chính, lần tăng thuế thuốc lá này, Bộ Tài chính sử dụng phương pháp đánh thuế hỗn hợp kết hợp cả thuế tỷ lệ và thuế tuyệt đối hoàn toàn phù hợp với những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế và Bộ y tế, vì giá thuốc lá của Việt Nam tương đối thấp so với các nước trong khu vực: "Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đề xuất áp dụng thuế thuốc lá một cách từ từ. Đây cũng là cách để hạn chế những ảnh hưởng và thị trường thích ứng. Tôi cho rằng lịch trình như vậy cũng phù hợp, thậm chí có thể tăng hơn. Bởi vì với mức tăng như vậy, vào năm 2026, mức tăng như vậy không làm giá thuốc lá tăng lên nhiều mà nó phải có một giai đoạn nhất định rồi mới tăng lên"

Tính đến năm 2018, đã có 63 quốc gia trên thế giới sử dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp và có 57 quốc gia áp dụng hệ thống thuế tuyệt đối.

B.S Nguyễn Tuấn Lâm, Cán bộ Kỹ thuật, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam dẫn chứng kinh nghiệm thành công của Thái Lan, nhờ việc áp dụng thuế thuốc lá từ năm 1990 và tăng đều hàng năm, trong giai đoạn từ năm 1993 đến năm 2022, mức thuế thu được từ thuốc lá của quốc gia này đạt 2,2 tỷ USD/ năm, tăng gấp 4 lần so với trước đây, tỷ lệ hút thuốc giảm từ 32% xuống 19%. Hiện Thái Lan đang áp dụng mức thuế 600% giá bán ra của nhà sản xuất, cao gấp 6 lần so với Việt Nam

Phillipines áp dụng chính sách thuế thuốc lá từ năm 2013 và tăng nhanh, giai đoạn 2017-2023, mỗi năm tăng 5 peso/ bao. Hiện mỗi một bao thuốc tại quốc gia này đang bị đánh thuế trên 1 USD/bao, cao gấp 4 lần Việt Nam. Với chính sách này, tỷ lệ hút thuốc giảm còn 19,5% năm 2021, giảm 30% so với 2009; thu thuế tăng nhanh lên mức 2,9 tỷ USD năm 2022, tăng hơn 4 lần so với thời điểm 2012.

Ảnh nh hoạ

Ông Lâm nêu ý kiến: "Với đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính, chúng tôi cho rằng có tác dụng rất tốt, giảm đáng kể số người hút thuốc trong thời gian tới. Tuy nhiên, Tổ chức y tế thế giới cho rằng cần phải làm tốt hơn nữa. WHO khuyến cáo lộ trình, khởi đầu bằng mức tăng thuế tuyệt đối 5.000 đồng/ bao và đến năm 2030 là 15.000 đồng/bao. Với khuyến cáo của WHO, Việt Nam có thể giảm tỷ lệ hút thuốc tốt hơn so với phương án của Bộ Tài Chính đưa ra và Việt Nam có thể đạt được mục tiêu của Chương trình Phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 và giúp phòng tránh tổng cộng 3,2 triệu người hút thuốc mới và những người bỏ thuốc lá"

Trong Hội thảo tổ chức mới đây ở Hà Nội, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Chính trị, Quốc Hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản với định hướng có lộ trình tăng thuế để giảm tỷ lệ người hút thuốc: "Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ phương án của Bộ Tài chính đưa ra một số mặt hàng chịu thuế trong Dự thảo Luật tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Các nội dung bám sát chủ trương của Bộ Chính trị, Quốc hội và chính phủ. Để bám sát hơn nữa đối với các Nghị Quyết của Quốc hội, chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu và tăng thuế đối với thuốc lá để đảm bảo đến năm 2030 đạt tỷ lệ lên đến 75% theo khuyến cáo của WHO và  theo quyết định 568 của Thủ tướng Chính phủ"

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách Y tế phối hợp với ĐH Thương mại và ĐH Kinh tế quốc dân, hiện nay, hạn mức chi tiêu cho thuốc lá của người nghèo đang lấn át cho các mục chi phí khác trong gia đình, làm giảm chi tiêu cho giáo dục, sức khỏe trong tương lai.

Chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn cho rằng, chính sách tăng thuế thuốc lá là để bảo vệ cho người nghèo: "Nếu mà tăng thuế lên là chúng ta sẽ giảm phần chi tiêu thuốc lá cho người nghèo, các hộ gia đình sẽ chuyển chi tiêu thuốc lá sang cho chi tiêu giáo dục, sức khỏe, như vậy tốt cho người nghèo. Chúng ta phải tăng thuế đủ lớn, thì người nghèo.Thứ hai, chính sách thuế phải tăng mạnh, đủ mức để người nghèo từ bỏ thuốc, còn nếu không tăng mạnh, họ sẽ vẫn sử dụng thuốc với mức chi phí cao hơn"

Trong 2 phương án Bộ Tài chính đưa ra, theo ông Sơn có mục tiêu cuối cùng giống nhau nhưng nếu tăng cao ngay từ đầu tiên như phương án số 2, sẽ giảm được số lượng người sử dụng thuốc lá nhanh hơn ở giai đoạn đầu và đạt hiệu quả cao hơn.