Tăng lương tối thiểu: Nên giãn lộ trình tăng lương?

VOVGT - Vấn đề tăng lương tối thiểu vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí tranh luận sôi nổi và chưa có quyết định cuối cùng

 

Tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – đơn vị đại diện người lao động đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 13,3% so với năm 2017.

Trong khi đó, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam – VCCI – đơn vị đại diện nhóm sử dụng lao động lại không đồng tình với mức tăng trên và cho rằng, với tình hình kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, không nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 hoặc nếu tăng chỉ nên dưới 5%. Như vậy, đề xuất tăng lương của Tổng LĐLĐVN và VCCI có độ chênh lệch khá lớn, lên tới 8%.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị không nên tăng lương tối thiểu năm 2018. Ảnh: Thu Hằng

Còn tại phiên họp thứ 2 diễn ra ngày 28/7 vừa qua, các bên liên quan mặc dù đã trao đổi, thương lượng và cân đối lại phương án tăng lương song vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Trao đổi với báo chí về mức tăng lương đề xuất trong phiên họp lần 2, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, trong quá trình thương lượng đã đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng là 10%, giảm 3,3% so với mức đề xuất ở phiên họp trước để các bên thảo luận. Bởi tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm kinh tế phát triển ổn định. Do vậy, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 không thể thấp hơn năm ngoái với mức tăng 7,3%. ông Lê Đình Quảng nói:

 

Khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động ở 17 địa phương mới đây cho thấy rất nhiều lao động không đủ trang trải cuộc sống. Chúng tôi nghĩ rằng đề xuất 13.3% là kỳ vọng để chấm dứt lộ trình tăng lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2018. Tuy nhiên chúng tôi phải cân nhắc để đảm bảo sự hài hòa và khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng như lợi ích của người lao động được cải thiện lên.

Đánh giá về diễn biến đàm phán phương án tăng lương năm tới, ông Phạm Minh Huân - nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng từ năm 2008 đến nay, năm nào lương tối thiểu cũng tăng. Mức tăng bình quân lên tới hơn 18%, vượt xa so với nhiều chỉ số về CPI, GDP... Đến thời điểm này khi tiền lương đã tiệm cận được tới hơn 90% với mức sống tối thiểu thì cần giảm tốc độ tăng. Bởi hiện nay nhiều ngành kinh tế đang mất cân đối như ngành dệt may, da giầy đang phải căng mình duy trì việc làm cho người lao động. Nếu giờ tăng lương cao thì giá sản phẩm sẽ tăng, khó cạnh tranh kéo theo việc làm của người lao động bị ảnh hưởng. Do vậy, khi tính tăng lương cần phải tính đến khả năng cạnh tranh quốc gia. Ông Phạm Minh Huân phân tích:

 

Phương án tăng hàng năm với mức thấp hay tăng 2-3 năm một lần nhưng tăng cao thì đều có mặt thuận và không thuận. Trong điều kiện hiện nay thì tôi nghĩ là hàng năm đều tăng nhưng mức tăng vừa phải. Người lao động và cả nhà nước đều muốn tăng lương. Nếu như năm 2018 phải tăng lương thì mức tăng phù hợp nhất là 5-6% để bảo đảm tiền lương thực tế cho người lao động. Tâm lý của người lao động thì đều muốn tăng lên nhưng nếu tăng cao quá thì quá khả năng của người sử dụng lao động.

Hiện nay, mặc dù phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã giảm mức tăng xuống và phía VCCI cũng nâng mức tăng lương tối thiểu vùng lên song hai bên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận. Dự kiến, phiên họp thứ 3, phiên cuối cùng sẽ diễn ra vào đầu tháng 8 để đưa ra phương án thống nhất. Trong trường hợp 2 bên không thống nhất được 1 phương án thì còn 2 phương án do người sử dụng lao động và người lao động đưa ra, phương án nào đạt, được tỷ lệ ủng hộ cao hơn sẽ là phương án được lựa chọn. Nhìn nhận về thực tế hiện nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đề xuất của mỗi bên đều đại diện cho quyền lợi của các nhóm đối tượng.

Việc tăng lương cần phải được tính toán dựa trên những tiêu chí chung và đặt trong bối cảnh, tình hình kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, để thực sự đảm bảo quyền lợi của các bên, thì cần sự quyết tâm kiến tạo của Chính phủ, hành động thực chất thể hiện ở việc giảm gánh nặng do chi phí bôi trơn cho DN. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí cho DN hiện nay. Ông Nguyễn Minh Phong cho biết:

 

Mỗi bên đại diện cho quyền lợi của các nhóm đối tượng. Với mức độ chênh lệch lớn lên tới 8% cho thấy một thực tế là khối doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là 7 tháng đầu năm có 90000 DN quay trở lại hoạt động thì có 2/3 số đó dừng hoạt động hoặc phá sản. Do vậy bên đại diện cho khối DN rất quyết liệt để không gây áp lực cho DN. Tôi cho rằng cần có sự hài hòa, nên lấy lợi ích cao nhất là động lực tăng trưởng, sự phát triển và tạo việc làm chung để làm căn cứ quyết định. Với tinh thần đó, nên tiếp tục thương lượng với tính chất xây dựng, mức 6,5-7,5% là mức phù hợp thay vì chênh lệch như hiện nay. Vì hiện nay lạm phát dự kiến là 4% thì mức tăng cũng có thể bù được lạm phát và không cao quá để các DN nặng nề. Tuy nhiên, nếu chính phủ quyết tâm kiến tạo, giảm được chi phí bôi trơn mặc định với trên dưới 10% tổng doanh thu của DN thì chắc chắn là DN sẽ nhẹ gánh hơn trong chi phí kinh doanh và từ đó có thêm động lực tăng lương cho người lao động.