Tăng cường nhập khẩu quặng, thị trường thép Trung Quốc vẫn bấp bênh

Với nhu cầu như hiện nay, lượng quặng sắt cập cảng Trung Quốc có thể tiếp tục tăng vào tháng 6, đồng nghĩa với việc sản lượng thép thô tháng 6 cũng tăng cao.

Song song, nguồn cung quặng sắt trong nước của Trung Quốc sản xuất có thể tăng theo, khi các nhà máy địa phương thúc đẩy tốc độ vận hành của các mỏ để tăng biên lợi nhuận.

Ảnh nh họa

Khoảng một tuần gần đây, giá quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc và giá quặng giao ngay của nước này đều ghi nhận xu hướng tăng.

Giá nhập khẩu quặng sắt 62%Fe tại cảng trong ngày hôm nay tăng nhẹ lên 208 USD/tấn và tăng 13% so với ngày 26/05.

Tính đến khoảng 10h sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất trên sàn Đại Liên tăng 118 NDT/tấn (khoảng 18,4 USD) lên 182,9 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch Thượng Hải, giá thép cây cũng giao dịch tích cực với mức tăng 75 NDT/tấn (11,7 USD), lên khoảng 5.083 NDT/tấn (795 USD/tấn). Giá thép cuộn cán nóng cũng tăng nhẹ theo lên 5.412 NDT/tấn (847 USD/tấn).

Trên thị trường giao ngay hôm nay, giá thép cán nóng ở Trung Quốc đi ngang ở mức 920 USD/tấn FOB, và vẫn ở mức thấp so với 1 số khu vực.  

Tại ngày 28/5, tổng lượng quặng tồn kho tại cảng của Trung Quốc đạt khoảng 128,5 triệu tấn, giảm 4,6 triệu tấn so với cuối tháng 4, những vẫn tăng 19 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng quặng tồn kho tại cảng giảm chứng tỏ các nhà máy Trung Quốc đang tích cực sản xuất.

Trung bình mỗi tuần trong tháng 5, lượng quặng sắt từ Australia và Brazil cập cảng Trung quốc đạt lần lượt 17,47 triệu tấn và 5,71 triệu tấn, tăng tương ứng 5,7% và 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhận định của người viết, với nhu cầu như hiện nay, lượng quặng sắt cập cảng Trung Quốc có thể tiếp tục tăng vào tháng 6, đồng nghĩa với việc sản lượng thép thô tháng 6 cũng tăng cao.

Song song, nguồn cung quặng sắt trong nước của Trung Quốc sản xuất có thể tăng theo, khi các nhà máy địa phương thúc đẩy tốc độ vận hành của các mỏ để tăng biên lợi nhuận.

Dù vậy, thị trường khó có thể thấy sự giảm mạnh của các kho dự trữ quặng sắt ở các khu cảng, bởi lượng nhập khẩu tăng dần nhưng khối lượng thép thành phẩm trong nước có thể giảm nếu Chính phủ tiếp tục siết chặt nguồn cung.

Trước đó, trong 10 ngày đầu tháng 5, thị trường thép Trung Quốc chứng kiến các mức giá tăng vọt một cách phi lý. Sự kết hợp giữa tỷ lệ vận hành lò cao tăng, tỷ suất lợi nhuận tốt ở các nhà máy và việc giảm dự trữ quặng sắt bên cảng đã khiến giá quặng sắt của Trung Quốc tiếp tục đạt mức cao kỷ lục trong nửa đầu tháng Năm.

Sau đó giá đã đảo chiều giảm sốc một thời gian ngắn khi Bắc Kinh cho biết, chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp chặt chẽ để đảm bảo nguồn cung hàng hóa và ổn định giá cả, bao gồm cả sắt thép. Và điều này đã khiến lợi nhuận của các nhà máy thép bị co hẹp.

Trong khi đó, ngành công nghiệp sản xuất ô tô đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, 11 nhà sản xuất lớn của nước này đã sản xuất 0,98 triệu xe tính đến ngày 20/5, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc trong tháng 5 cũng giảm nhẹ so với tháng trước xuống còn 51 điểm.

Trước những diễn biến này, dự báo giá quặng sắt của Trung Quốc có thể biến động trong xu hướng giảm vào tháng 6. Ở một số thành phố, nắng nóng đỉnh điểm vào tháng 6 và 7, sau đó là mùa mưa ở những nơi khác có thể khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép dài suy yếu.