Tăng cường năng lực nội sinh cho doanh nghiệp Việt thế nào? (Phần 1)

Tại Diễn đàn kinh tế xã hội Việt Nam 2023, nhiều chuyên gia cho rằng để Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững cần phải nhận diện đúng và trúng các nguyên nhân khó khăn của doanh nghiệp Việt – trụ cột cho phát triển kinh tế đang gặp phải.

Bình quân mỗi tháng, có 18.600 doanh nghiệp được thành lập mới và tái gia nhập thị trường, 15.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường (Ảnh: SGGP)

 

Thực tế hiện nay bên cạnh các tác động khó dự báo từ thế giới, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp Việt được các chuyên gia, nhà khoa học đánh gía là đã “tới hạn”.

Dẫn chứng số liệu trong 8 tháng đầu năm 2023, bình quân mỗi tháng, có 18.600 doanh nghiệp được thành lập mới và tái gia nhập thị trường, 15.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường; tổng lượng vốn đăng ký giảm 19,8%, PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, điều này phản ánh quy mô nhỏ dần của doanh nghiệp mới thành lập và các doanh nghiệp Việt có xu hướng chậm lớn, khó lớn và ngại lớn:

"Chúng ta phải hiểu là doanh nghiệp Việt có năng lực tồn tại ghê gớm nhưng tại sao mãi li ti mãi nhỏ? Tôi đặt vấn đề tuổi thọ DN thấp dù chưa có 1 nghiên cứu nào về tuổi thọ DN VN nhưng tôi tin rất thấp có thể thấp hơn mức bình quân thế giới rất nhiều.

Cái thấp này là 1 phần rất quan trọng quyết định sức mạnh nội sinh bởi vì DN Việt liên quan tới sức mạnh nội sinh của nền kinh tế. Đấy là 1 trong những vde cốt tử chúng ta phải suy nghĩ".

Ông cũng cho rằng, đất nước đang ở trạng thái “thừa tiền, thiếu vốn, doanh nghiệp kiệt sức”. Sau đợt dịch COVID-19, vốn cạn kiệt nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn. Đến hết tháng 8/2023, vốn đầu tư công mới giải ngân đạt 39,6% kế hoạch.

Trong bối cảnh khó khăn khách quan lớn, Việt Nam vẫn có những thành tựu kinh tế như giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được cân đối lương thực ngoại tệ cùng với duy trì an sinh xã hội để có đà tiếp theo cho phục hồi (Ảnh: SGGP)

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn – Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp VN VCCI cho biết qua điều tra thường niên khoảng 10.000 doanh nghiệp Việt Nam, việc tiếp cận nguồn lực sản xuất, kinh doanh cơ bản chưa thuận lợi.

Có tới 55,6% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn về tín dụng, vốn. Ông Tuấn chỉ ra 6 trở ngại điển hình mà các doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt:

"Đầu tiên là chất lượng cơ sở hạ tầng, dẫn một kết quả điều tra ở 2.000 doanh nghiệp, ông cho hay, trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, tăng trưởng chất lượng hạ tầng ở Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại. Thứ 2 là tiếp cận vốn tín dụng khó khăn. Thứ 3 là tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn thiếu. Thứ 4 là việc tiếp cận quỹ đất để sản xuất kinh doanh của DN vẫn khó. Thứ 5 là các loại chi phí cao làm giảm sức cạnh tranh của DN. Thứ 6 là chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật chưa cao".

Là một tập đoàn kinh doanh đa lĩnh vực, trong những năm khó khăn vừa qua, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPPG đã nỗ lực ổn định cuộc sống cho hơn 20 nghìn lao động và duy trì công việc cho các công ty thành viên. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn có những khó khăn đang phải đối mặt như chia sẻ của bà Lê Hồng Thủy Tiên - Tổng Giám đốc điều hành IPPG:

"Nếu như trong năm 2021-2022, DN rơi vào khó khăn như đứt gãy chuỗi cung ứng, giãn cách xã hội; giá xăng dầu, cước vận tải tăng thì đến năm 2023 do tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm, DN chúng tôi lại rơi vào thế bị động khi bị hủy đơn hàng hàng loạt, doanh số sụt giảm. DN nhỏ lớn cũng gặp khó khăn trước các cơn sóng dữ của lạm phát và thắt chặt chi tiêu của doanh nghiệp".

Trong bối cảnh khó khăn khách quan lớn, Việt Nam vẫn có những thành tựu kinh tế như giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được cân đối lương thực ngoại tệ cùng với duy trì an sinh xã hội để có đà tiếp theo cho phục hồi.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Cung – Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nền kinh tế nước ta có nhiều điểm yếu mang tính cơ cấu như nền kinh tế phân mảng, nền kinh tế mở nhưng mức độ mở và năng lực hội nhập của doanh nghiệp tư nhân trong nước thấp nên không tận dụng hết cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế mang lại để đóng góp cho sự thịnh vượng của quốc gia, và quan trọng là hệ thống thể chế của chúng ta không còn phù hợp để huy động đủ nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiệu quả tạo bứt phá tăng trưởng:

"Hệ thống thể chế không còn phù hợp đủ để huy động đủ nguồn lực và sử dụng nguồn lực có hiệu quả để tạo ra sự bứt phá tăng trưởng lên. Chỗ này điển hình chúng ta nhìn thấy Quốc hội liên tục phải ban hành thể chế khác biệt so với hiện hành cho các địa phương mà gần như số địa phương mong muốn điều này ngày càng nhiều. Quốc hội ban hành các cơ chế thí điểm để thực hiện những dự án đầu tư quan trọng QG vì thể chế hiện hành k thể dung nạp được. Đây là điểm yếu nhất của nền kinh tế nước ta".

Khu vực doanh nghiệp tư nhân sau một thời gian phát triển bùng nổ đang suy yếu, việc cải thiện năng suất lao động cũng đang rất chậm so với thế giới và khu vực, và đang có một khoảng cách tụt hậu quá lớn so với các nước. Đâu là giải pháp để tăng cường nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng?