Suy giảm đáng kể của các ngành công nghiệp do đâu? (Phần 1)

Giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm - trong cả giai đoạn 12 năm từ 2011-2023.

 Tin trong nước và thế giới

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng, chủ trì Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

# Phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng diễn ra sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm nhằm tăng cường liên kết vùng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề xuất một số giải pháp để phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước. 

# Hiện Trung Quốc & Hong Kong vẫn đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 17% tổng kim ngạch. 

Ngoài ra, với việc Mỹ có xu hướng tăng nhập khẩu các mặt hàng giá rẻ, kỳ vọng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hoa Kỳ nửa cuối năm sẽ tăng 40-50%. 

# Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng đã quyết định dành 15.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực lâm, thủy sản.

Theo đó, lãi suất cho vay sẽ thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng. 

# Theo SSI Reseach, sau khi chạm đáy trong nửa đầu năm, dự báo lợi nhuận của các DN bán lẻ sẽ tích cực trở lại từ quý 4/2023 đến năm 2024. 

Các chuyên gia cũng hi vọng, mặt bằng lãi suất cho vay 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục giảm xuống, hạn mức tín dụng và khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp tăng lên. 

# Các nhà hoạch chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) lo ngại, lạm phát sẽ bùng phát trở lại nếu họ từ bỏ việc tăng lãi suất quá sớm.

Còn các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, do lạm phát, nhu cầu du lịch và chi tiêu trong Hè này của người dân Mỹ đã giảm đáng kể. 

# Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, nước này sẽ bắt đầu thử nghiệm phiên bản kỹ thuật số của đồng ruble với các khách hàng bắt đầu từ tháng 8. 

Còn thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa khẳng định, nền kinh tế và hệ thống tài chính của Vương Quốc Anh cho đến này vẫn ổn định trước những nguy cơ từ lãi suất. 

Suy giảm đáng kể của các ngành công nghiệp do đâu?

Giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm - trong cả giai đoạn 12 năm từ 2011-2023. Sự suy giảm đáng kể đến từ đâu? Cách nào có thể “vực dậy” được ngành?

Ảnh nh họa Vietnam+

Mặc dù đã có sự tăng trưởng dương trở lại từ tháng 3, nhưng cũng chỉ đưa giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 0,44% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nêu thực tế: "6 tháng đầu năm 2023 sản xuất công nghiệp trong nước vẫn có sự sụt giảm đáng kể và cũng phục hồi rất chậm. Các ngành công nghiệp nền tảng, chủ lực của quốc gia như cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may, da giày, sản xuất kim loại, thép… đều suy giảm đáng kể cả về chỉ số sản xuất, sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu"

Khi quay đầu tăng trưởng dương từ tháng 3, nhiều nhận định rằng: công nghiệp Việt Nam đã “thoát đáy” và khả năng sẽ sớm phục hồi, phát triển. Thế nhưng, cùng với khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng mới, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2023 lên tới hơn 83% cho thấy vẫn còn bộn bề khó khăn phía trước.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam nêu thực tế: "Các DN ngành da giày vẫn gặp phải những khó khăn, thách thức lớn. Tình trạng đơn hàng cũng bị suy giảm. Với các khách hàng truyền thống thì mức độ suy giảm khoảng 30-40%, và 1 số DN đặc biệt là các DNVVN thì các đơn hàng nhỏ gần như là chưa có tín hiệu khả quan…"

Còn ông Huỳnh Công Tiến - Công ty TNHH Toàn Tiến chuyên gia công các sản phẩm may mặc nói: "Hiện tại tình hình của chúng tôi đang rất khó khăn bởi vì các đơn hàng XK bị tồn rất nhiều. Đây cũng là tình hình chung của rất nhiều DN may mặc như chúng tôi hiện nay"

Nguyên nhân đầu tiên và căn bản được chỉ ra của việc suy giảm đơn hàng dẫn đến suy giảm sản xuất của nhiều ngành công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 là do nhu cầu tiêu dùng của thế giới sụt giảm mạnh trước các tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát và cuộc chiến Nga - Ucraina…

Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều nguyên nhân khác cũng được đánh giá là cơ bản và quan trọng được ngành Công Thương chỉ ra như việc các nước sử dụng phòng vệ thương mại, ưu đãi phổ cập thuế quan hay vấn đề phát triển bền vững như nhận định ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương: "Hiện nay yêu cầu về vấn đề môi trường, phát thải đang trở nên rất cấp bách. Điều này đã thấy ngay trong trường hợp của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và da giày, khi mà hiện nay các đơn hàng thì đã khan hiếm nhưng lại được dồn về những quốc gia đáp ứng được yêu cầu về xanh hóa chuỗi cung ứng. Trong trường hợp này chúng ta thấy Băng La Đét là nước đã làm rất tốt".

Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng với thế giới. Một nước có mức thu nhập trung bình thấp, là nền kinh tế có độ mở lớn (với giá trị thương mại xuất, nhập khẩu gấp gần 2 lần quy mô GDP), lại tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có những FTA thế hệ mới.

Tiếp tục thực thi các hiệp định này, năm 2023 Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn ngày càng cao hơn về nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, môi trường, lao động… nếu muốn xuất khẩu và được hưởng các ưu đãi thuế quan theo đúng lộ trình đã cam kết.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thẳng thắn thừa nhận: "Theo đánh giá của Bộ Công Thương, quá trình công nghiệp hóa của nước ta trong thời gian vừa qua còn một số hạn chế như: Phát triển công nghiệp không ổn định, thiếu bền vững; giá trị gia tăng thấp; chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, năng lực của DN, đặc biệt là trình độ khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế. Các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên phát triển chưa đạt mục tiêu đề ra…"

Với rất nhiều khó khăn hiện hữu của toàn ngành công nghiệp, Việt Nam phải làm gì để các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lấy lại vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng? CĐTT chiều mai sẽ gửi tới quý vị tổng hợp ý kiến của các chuyên gia.

 

Thông tin chứng khoán

# Chỉ số VN-Index giảm 0,17 điểm, tương đương 0,01%, xuống 1.172,81 điểm. Tuy nhiên, chỉ số VN30-Index lại tăng 3,07 điểm trong ngày đáo hạn phái sinh.

# Toàn sàn HoSE có 252 mã tăng giá, 73 mã đứng giá tham chiếu và 201 mã giảm giá. Thanh khoản khớp lệnh ở mức trung bình, đạt 15.441 tỷ đồng.

# Theo SSI Reseach, nhóm BĐS diễn biến khả quan nhưng cổ phiếu tác động tích cực nhất đến thị trường chung là HPG. Cổ phiếu chứng khoán cũng ghi nhận tăng - giảm đan xen.