Sửa đường băng: Cần ứng dụng các kỹ thuật tiến tiến trên thế giới

Phóng viên VOV Giao thông có buổi trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh về vấn đề này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Việc đóng cửa 2 đường băng tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất từ đầu tháng 7/2020 để tiến hành cải tạo, nâng cấp đang gây ùn tắc trên không và dưới mặt đất và gây nhiều phiền toái cho hành khách.

Mặc dù Bộ trưởng Bộ GTVT đã có chỉ đạo khẩn việc điều phối số lượng chuyến bay và giờ bay, thế nhưng, tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Đối thoại với phóng viên VOV Giao thông về kinh nghiệm sửa chữa đường băng của các quốc gia trên thế giới và những giải pháp hạn chế đóng cửa đường băng, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.  

PV: Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong sửa chữa đường băng ở các quốc gia trên thế giới?

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Các sân bay trên thế giới có một đường băng, họ không bao giờ đóng cửa đường băng để sửa chữa. Những đường băng đó được sửa chữa vào ban đêm, vào giờ ít máy bay, họ ngưng khoảng đó, vài giờ đồng hồ để sửa từng đoạn và ngày mai lại hoạt động trở lại.

Các sân bay bình thường đông khách làm như vậy. Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất là thuộc loại đó. Cho nên về góc độ quản lý sân bay, Bộ Giao thông vận tải phải có kế hoạch để sửa chữa theo cách đó, đúng với các kỹ thuật tân tiến trên thế giới.

PV: Để hạn chế việc đóng cửa đường băng phục vụ sửa chữa lớn, theo ông cần có những giải pháp nào?

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Cần có chế độ bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, đừng để hư hỏng quá trầm trọng rồi mới sửa một lần rất tốn kém. Cho nên, Bộ GTVT phải thấy để tiên liệu giải pháp, đến bây giờ nước đến chân mới nhảy, quá hư hỏng mới tìm biện pháp và có vốn để sửa chữa.

Như vậy, sửa chữa rất chậm, chính vì chậm mà đường băng xuống cấp trầm trọng, đưa đến việc phải sửa chữa lớn, ảnh hưởng đáng kể đến an toàn hàng không, ảnh hưởng tới các hãng hàng không và hành khách.

PV: Dù không muốn, nhưng việc đóng cửa đường băng đã được thực hiện. Để hạn chế ùn tắc cần phải có những điều chỉnh gì, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Hai đường băng của Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất ngưng một đường bay để sửa chữa, ở một mức độ nào đó trong giờ cao điểm là quá tải.

Bây giờ còn một đường băng thì mất đi gần một nửa năng lực cất hạ cánh trong giờ cao điểm. Một đường băng hoạt động độc lập cao hơn một nửa so với hai đường băng hoạt động phụ thuộc nhau. Vì vậy, các hãng máy bay cần điều tiết lại kế hoạch bay cho phù hợp với năng lực sân bay đã giảm.     

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

---

Mời quý vị và các bạn cùng nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 16/7 tại đây: