Sử dụng camera AI để giám sát, phát hiện hành vi nguy hiểm trên cao tốc

Tính đến hết tháng 04/2024, nước ta đã có khoảng 2000km đường bộ cao tốc. Bên cạnh những đóng góp quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước, hệ thống đường bộ cao tốc cũng đang đứng trước nhiều thách thức trong công tác đảm bảo an toàn giao thông.

Vậy đâu là bài học kinh nghiệm phù hợp để nâng cao yếu tố an toàn trên đường cao tốc tại Việt Nam? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS. TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT (Trường Đại học Việt Đức) bên lề Hội thảo An toàn giao thông trên cao tốc do Kênh VOVGT tổ chức ngày 16/5.

PV: Ông đánh giá thế nào về tốc độ phát triển đường cao tốc Việt Nam trong thời gian gần đây?

PGS.TS Vũ Anh Tuấn: Đến thời điểm này thì Việt Nam có 9 tuyến cao tốc Trong những năm gần đây, tốc độ xây dựng các tuyến đường cao tốc tại Việt Nam đã được đẩy rất nhanh để đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội và kết nối vùng ền.

Đây là một bước tiến khá quan trọng trong việc phát triển kinh tế -xã hội của Việt Nam. 

Bên cạnh những đóng góp quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước, hệ thống đường bộ cao tốc cũng đang đứng trước nhiều thách thức trong công tác đảm bảo an toàn giao thông chung - Ảnh nh họa

PV: Tuy nhiên, những bất cập vẫn chưa được tháo gỡ dẫn đến các nguy cơ về mất an toàn trên cao tốc. Ông đánh giá thế nào về công tác an toàn giao thông trên đường cao tốc hiện nay và trong thời gian tới? 

PGS.TS Vũ Anh Tuấn: Chúng ta phải phân biệt đường cao tốc và hệ thống đường bộ thông thường. Đối với đường cao tốc, chức năng là vận chuyển với vận tốc cao và lưu lượng xe lớn để đảm bảo huyết mạch về giao thông của quốc gia cũng như của Vùng.

Do vậy, tốc độ càng cao, nguy cơ va chạm và gây tử vong càng cao. Đối với đường cao tốc, mặc dù ở tốc độ cao, lưu lượng lớn nhưng phải đảm bảo an toàn, không thể đánh đổi tính mạng của con người lấy vận tốc.

Tôi cho rằng, vấn đề an toàn của đường cao tốc Việt Nam hiện nay ở những giai đoạn đầu đang có những bước phát triển nhưng cũng gặp nhiều thách thức.

Tính về tỉ lệ thương vong, dựa vào số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ tử vong trong một vụ tai nạn trên một tuyến đường cao tốc thấp hơn khoảng 20% tỷ lệ tử vong trên đường bộ toàn quốc. Như vậy, về bình diện chung, đường cao tốc Việt Nam có tính an toàn.

Tuy nhiên, các vụ tai nạn giao thông thảm khốc báo hiệu thách thức an toàn giao thông trên cao tốc có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Chính vì vậy, công tác an toàn giao thông trên đường cao tốc cần phải được quan tâm, đề xuất đối với những hạ tầng giao thông hiện hữu và hạ tầng mới trong tương lai, để đảm bảo cao tốc là huyết mạch của quốc gia và an toàn. 

PV: Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong việc nâng cao an toàn trên đường cao tốc? 

PGS. TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc trung tâm nghiên cứu GTVT (Trường Đại học Việt Đức)

PGS.TS Vũ Anh Tuấn: Tôi lấy ví dụ đất nước Trung Quốc, vào năm 2010 họ đã xây dựng được 86.000km đường cao tốc, chiếm khoảng 2,5% tổng mạng lưới đường quốc gia. Nhưng số vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc chiếm 10%.

Điều đó cho thấy, trong thời gian tới, những thách thức trên đường cao tốc ngày càng trầm trọng hơn và phải chuẩn bị tâm thế từ bây giờ.

Để khắc phục tình trạng đó, Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo Bộ Giao thông rà soát các tuyến cao tốc thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, đặc biệt những vụ tai nạn nghiêm trọng, điều chỉnh quy trình, hướng dẫn tổ chức khai thác giao thông trên đường cao tốc.

Những tuyến đường 4 làn (2 làn mỗi hướng) đã có rà soát và điều chỉnh, bổ sung rào chắn để tránh cường độ va chạm của những phương tiện cồng kềnh để những xe container không rơi xuống vực, rơi xuống vực hay đâm theo hướng ngược chiều, giảm thiểu tử vong.

Trung Quốc cũng đã áp dụng công nghệ thông tin để phát hiện xử phạt kịp thời những hành vi điều khiển xe nguy hiểm trên đường cao tốc như đi không đúng làn, vượt tốc độ, có những hành vi bám sát xe trước không đảm bảo khoảng cách an toàn, lái xe trong tình trạng mệt mỏi, mất tập trung... bằng cách sử dụng camera AI để giám sát và tự động phát hiện các hành vi nguy hiểm để ngăn chặn những vụ tan nạn giao thông thảm khốc.

Đặc biệt, quốc gia này cũng đã có hệ thống cấp cứu sau tai nạn đạt chuẩn quốc tế để giảm thiểu nguy cơ tử vong khi có tai nạn xảy ra. Đồng thời, điều chỉnh chương trình đào tạo, hướng dẫn cho người lái xe chuẩn bị tâm thế, kỹ năng cơ bản khi tham gia lưu thông. 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!