Một câu hỏi đặt ra hiện nay là: Liệu công nghệ có đủ an toàn để thay thế tài xế con người, hay những lo ngại về rủi ro sẽ cản trở sự phát triển của xe tự hành?
Công nghệ đột phá hay mối lo ngại an toàn?
Những chiếc ô tô không người lái đang dần trở thành hiện thực trên các nẻo đường ở Mỹ, mang đến trải nghiệm di chuyển hoàn toàn mới lạ. Cảm giác êm ái, tiện lợi và an toàn mà công nghệ này hứa hẹn khiến nhiều người liên tưởng đến những câu chuyện khoa học viễn tưởng thời thơ ấu.
“Đây quả là một trải nghiệm tuyệt vời”
“Chiếc xe vận hành rất suôn sẻ và êm ái”
“Thật khó tin, tôi đã từng nghe điều này khi còn bé, nhưng giờ đây nó đã trở thành hiện thực."

Tuy nhiên, bên cạnh sự hào hứng và kỳ vọng, không ít người còn hoài nghi về tính an toàn và độ tin cậy của taxi tự hành.
“Tôi vẫn chưa tin tưởng hoàn toàn vào xe tự lái”
“Theo tôi việc điều khiển một chiếc ô tô nên là trách nhiệm của người tài xế”
“Tôi không thể hình dung được một chiếc xe tự hành sẽ di chuyển ra sao trên đường phố đông đúc với nhiều người qua lại"
Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, gần hai phần ba người dân Mỹ cho biết họ không muốn đi trên các phương tiện tự lái dù có cơ hội.
Nguyên nhân là do nhiều người vẫn e ngại robotaxi, đặc biệt ở những thành phố chưa triển khai công nghệ này. Trong khi đó, tại các khu vực đã có robotaxi, những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng năm 2023 liên quan đến Cruise (công ty con thuộc General Motors) vẫn gây lo ngại. Cruise sau đó phải triệu hồi 1.200 xe do lỗi phanh, còn General Motors tạm dừng vô thời hạn kế hoạch triển khai xe tự lái Origin.Dù taxi tự lái gây chia rẽ, nhưng các "ông lớn" công nghệ Mỹ như Tesla, Google hay Amazon vẫn không ngừng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này. Cuộc đua phát triển robotaxi ngày càng nóng lên, bất chấp những hoài nghi về độ an toàn cũng như tính khả thi của công nghệ.
Trong một tuyên bố gần đây, tỷ phú Elon Musk, CEO Tesla cho biết, đang đẩy mạnh phát triển xe tự hành, trong đó có mẫu Cybercab, với hy vọng thay đổi cách con người di chuyển trong tương lai: “Những chiếc xe như Cybercab hay Robovan do Tesla phát triển sẽ được trang bị công nghệ tự lái hoàn toàn, đặc biệt không có vô lăng, chân ga hay chân phanh. Ngoài ra, trên xe còn có hệ thống sạc cảm ứng thay vì cổng sạc thông thường, giúp nâng cao tính tiện lợi và mang đến trải nghiệm mới lạ cho người dùng. Tôi hy vọng, mẫu xe, giúp tối ưu hóa cao cho phương tiện giao thông này, có thể chính thức lưu thông trên đường vào năm 2026 hoặc 2027”.
Không đứng ngoài cuộc, Waymo, công ty thuộc sở hữu của Google tuyên bố, hiện đang dẫn đầu với hơn 22 triệu dặm vận hành hoàn toàn tự động. Nhu cầu ngày càng tăng khi số chuyến đi có trả phí tại San Francisco, Los Angeles, Phoenix và Austin đã tăng gấp đôi chỉ trong vài tháng.
Để củng cố uy tín và xóa bỏ hoài nghi, Waymo mới đây ra mắt trung tâm an toàn trực tuyến, công bố dữ liệu khẳng định xe của họ không chỉ an toàn mà còn vượt trội hơn so với con người cầm lái.
Ông Harry Kroeger, Giám đốc Kinh doanh từ Sima, công ty phát triển công nghệ và giải pháp phần mềm cho ô tô tự lái chia sẻ: “Mười năm trước, việc di chuyển bằng ô tô gắn liền với hình ảnh những tài xế bằng xương bằng thịt. Nhưng ngày nay, chỉ cần bước vào một chiếc xe trống, hành khách sẽ được "cỗ máy" thông nh đưa đến đích một cách an toàn và tiện lợi. Đối với những ai chưa quen với công nghệ này, đây quả là một trải nghiệm không khác gì phép thuật”
Cuộc đua xe tự lái đang ngày càng nóng lên với sự tham gia của các "ông lớn" công nghệ. Amazon đang chuẩn bị cho ra mắt đội xe tự lái Zoox, đánh dấu bước tiến quan trọng trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, Cruise, một đối thủ cạnh tranh, cũng đang nỗ lực khôi phục hoạt động sau khi bị tạm dừng vào năm 2023. Trên Phố Wall, giới tài chính theo dõi sát sao diễn biến của ngành công nghiệp xe tự lái, nhiều chuyên gia cho rằng nếu không vì sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo tổng hợp (Generative AI), 2024 đã được gọi là “năm của robotaxi”.
Dịch vụ gọi xe truyền thống đối mặt nguy cơ mất khách
Một cuộc tranh luận khác thời gian gần đây đó là liệu dịch vụ gọi xe truyền thống có thể trụ vững trước sự trỗi dậy của robotaxi hay không. Khi xe không người lái ngày càng phổ biến, người dùng có thể tự hỏi: liệu họ còn muốn gọi Uber hay Lyft, trò chuyện với tài xế xa lạ, ngồi trên xe cá nhân của người khác và trả tiền boa, khi đã có một lựa chọn tự động, tiện lợi và không cần tương tác? Nhận thấy thách thức này, Uber gần đây ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các công ty xe tự lái nhằm duy trì vị thế của mình. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những mối quan hệ này sẽ kéo dài bao lâu trong bối cảnh công nghệ không ngừng tiến bộ.
Cuộc cách mạng taxi không người lái có thể đang đến gần, nhưng theo các chuyên gia vẫn còn nhiều thách thức chưa được giải quyết, trong đó có rào cản về an toàn, pháp lý và cả niềm tin từ công chúng. Chỉ cần một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, niềm tin vào xe tự lái có thể lại sụp đổ hoàn toàn, khiến cả ngành công nghiệp này chậm tiến thêm nhiều năm.
Tại Việt Nam, xe tự lái vẫn là một khái niệm mới mẻ, nhưng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và nhu cầu hiện đại hóa giao thông có thể khiến xu hướng này sớm trở thành hiện thực. Với tình trạng ùn tắc tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, xe không người lái được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao hiệu quả di chuyển.
Tuy nhiên, hạ tầng đường sá, khung pháp lý chưa hoàn thiện và thói quen tham gia giao thông của người dân sẽ là những thách thức lớn đối với việc triển khai công nghệ này.
Theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, để cấp phép cho xe tự hành lưu thông trên đường trước hết cần hoàn thiện vấn đề hành lang pháp lý: “Chúng ta vẫn còn chưa có hành lang pháp lý cụ thể liên quan đến xe tự hành. Bởi giả sử khi các xe lưu thông trên đường mà có xảy ra tai nạn thì khi đó trách nhiệm sẽ thuộc về ai. Thuộc về người ngồi trên xe, nhưng không điều khiển? thuộc về chủ xe hay thuộc về đơn vị sản xuất ra chiếc xe đó, thì chúng ta chưa có hành lang pháp lý cụ thể. Do vậy, đặt xe tự hành vào môi trường giao thông ở Việt Nam thì tôi nghĩ vẫn còn nhiều thách thức”.