Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

ATGT cho người đi xe máy: Thách thức toàn cầu và của Việt Nam

Huy Văn: Chủ nhật 02/03/2025, 08:56 (GMT+7)

Hiện nay, an toàn giao thông, đặc biệt là đối với người sử dụng xe máy, đã trở thành một mối quan tâm lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Và tại Hội nghị Bộ trưởng Toàn cầu lần thứ tư về An toàn đường bộ do tổ chức Y tế thế giới (WHO) chủ trì vừa qua, vấn đề này cũng trở thành chủ đề nóng được nhiều chuyên gia thảo luận.

Nhiều thách thức với ATGT cho người đi xe máy

Trong 3 ngày từ 18 đến 20/2 vừa qua tại tại TP. Marrakech, Vương quốc Ma-rốc, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Toàn cầu lần thứ tư về An toàn đường bộ. Đây là hội nghị về an toàn giao thông lớn nhất toàn cầu do tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng chủ trì, tổ chức 5 năm một lần.

Hội nghị năm nay có sự tham gia của các Bộ trưởng cùng với những người đứng đầu cơ quan an toàn đường bộ các quốc gia, khoảng 1.500 đại biểu tham gia là các chuyên gia từ Liên Hợp quốc và nhiều lĩnh vực liên quan khác, trong đó có đoàn đại biểu của Việt Nam.

Hội nghị Bộ trưởng Toàn cầu lần thứ tư về An toàn đường bộ diễn ra từ ngày 18-20/2 tại TP. Marrakech, Vương quốc Ma-rốc. Ảnh: NARSA

Hội nghị Bộ trưởng Toàn cầu lần thứ tư về An toàn đường bộ diễn ra từ ngày 18-20/2 tại TP. Marrakech, Vương quốc Ma-rốc. Ảnh: NARSA

Một trong các chủ đề “nóng” được thảo luận tại Hội nghị, đó là vấn đề an toàn giao thông cho người sử dụng xe hai bánh và ba bánh tại các quốc gia có mức thu nhập trung bình và thấp. Ông Andres Vecino-Ortiz, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins, là chuyên gia về kinh tế, y tế và phân tích chính sách tập trung vào an toàn giao thông đã đưa ra một vài con số rất đáng chú ý.

Theo đó, hiện mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người tử vong vì tai nạn giao thông. Đây cũng là nguyên nhân chính gây tử vong cho nhóm người trẻ từ 5 – 29 tuổi. 85% số người tử vong do TNGT tới từ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Số người tử vong vì TNGT có liên quan tới xe đạp, xe máy đang gia tăng nhanh trong vòng 40 năm trở lại đây, và đặc biệt tăng mạnh trong vòng 20 năm trở lại.

Cũng theo ông Andres, vấn đề an toàn giao thông đối với xe máy, nếu xét theo 4 khía cạnh chính là phương tiện, tốc độ, người sử dụng và hạ tầng, tất cả đều đang gặp những thách thức không hề nhỏ:

“Trong thời gian làm việc tại dự án Sáng kiến về an toàn đường bộ toàn cầu của Bloomberg, chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại 12 thành phố. Và trong 10 trên 12 thành phố đó có tình trạng người sử dụng xe máy chạy quá tốc độ gấp 2 – 3 lần cho phép. Nhiều thành phố đang gặp khó trong việc thực thi pháp luật với các trường hợp này bởi nhiều lí do như xe bị che biển số, chưa áp dụng chuyển đổi số với việc theo dõi, xử phạt v.v…”

Ảnh: Getty Images

Ảnh: Getty Images

Ông Andres cho biết thêm, nhiều người sử dụng xe máy hiện tại chưa được trải qua quá trình đào tạo, sát hạch. Như một nghiên cứu thực hiện tại thủ đô Bogota (Colombia) có đến 60-70% người lái xe máy rơi vào tình trạng như vậy. Vấn đề mũ bảo hiểm cũng đáng chú ý, trong khi một số nơi tỷ lệ người đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy lên tới 98%, thì có những nơi chỉ có 5-10%.

Chất lượng hạ tầng giao thông cũng đóng vai trò quan trọng, khi mà nghiên cứu tại Bogota năm 2022 cho thấy 60% số người thiệt mạng vì TNGT ở thành phố này không phải do va chạm, mà do các yếu tố liên quan tới hạ tầng như ổ gà.

Còn theo ông Greg Smith, giám đốc điều hành của Chương trình đánh giá đường bộ quốc tế iRAP, dữ liệu từ hơn 500 nghìn km đường bộ ở 82 quốc gia đã chỉ ra nhiều vấn đề đáng lưu tâm:

“Nếu đánh giá theo thang điểm chất lượng từ 1 đến 3 sao, thì 67% đường bộ chỉ đạt ở mức 1 đến 2 sao. Trong đó, chỉ có 22% giao lộ có làn rẽ được bảo vệ để giảm rủi ro cho phương tiện. Chỉ 50% số giao lộ có đèn đường, thứ cực kỳ quan trọng với việc lái xe vào ban đêm. Chỉ 1/3 số đường có dải phân cách. Và chỉ có 0,2% số đường có làn riêng cho xe máy. Đây cũng là vấn đề đang gây rất nhiều tranh cãi.”.

An toàn cho trẻ em: Vấn đề không thể bỏ qua

Ngoài ra, vấn đề an toàn giao thông cho trẻ nhỏ khi đi xe máy cũng là vấn đề gây chú ý. Dù đây không phải nhóm đối tượng trực tiếp điều khiển phương tiện, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Ảnh: The City Paper

Ảnh: The City Paper

Ông Nils Lubbe, chuyên gia của Tập đoàn Autoliv chuyên về nghiên cứu và sản xuất các thiết bị an toàn cho biết, một trong những rủi ro lớn nhất là việc cho trẻ ngồi đâu trên xe máy. Tình trạng cho trẻ ngồi phía trước xe rất phổ biến, điều này đặc biệt nguy hiểm cho các em khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông:

“Bạn thường muốn đặt trẻ ở phía trước xe để có thể quan sát, kiểm tra xem trẻ đang làm gì, để trẻ tránh bị ngã khỏi xe. Nhưng kết quả đó là việc trẻ phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu xảy ra một cú va chạm trực diện. Bởi phía trước xe máy là tay lái và nhiều cấu trúc cứng, có thể dẫn tới chấn thương ngực nghiêm trọng. Còn nếu trẻ ngồi phía sau thì sẽ tiềm ẩn rủi ro khi va chạm là trẻ có thể bị văng xa và va chạm vào vật thể nào đó. Do đó, ngồi trước hay sau xe, thực sự chúng ta không có một câu trả lời nào tốt giữa 2 lựa chọn này.”

Cũng theo ông Nils Lubbe, các chuyên gia vẫn khuyến nghị nên đặt trẻ ngồi sau, nhưng cần có sự trợ giúp từ các thiết bị an toàn như mũ bảo hiểm hay ghế an toàn. Nhưng đó lại là vấn đề lớn khi hiện nay không có nhiều phụ huynh trang bị ghế an toàn trên xe máy cho trẻ.

Trong khi đó, trẻ còn quá nhỏ thì không thể sử dụng mũ bảo hiểm do cổ trẻ rất yếu, không chịu được sức nặng. Do đó, việc đội MBH cho trẻ còn quá nhỏ sẽ khiến trẻ phải chịu thêm tổn thương nếu có va chạm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các thiết bị an toàn như đai lưng cố định trẻ không có tác dụng bảo vệ. Do đó, việc tìm ra giải pháp an toàn cho trẻ nhỏ khi ngồi xe máy là một thách thức lớn.

Rất nhiều các vấn đề, thách thức liên quan tới an toàn giao thông cho người đi xe máy đã được đề cập tới tại Hội nghị Bộ trưởng Toàn cầu lần thứ tư về An toàn đường bộ. Với những thách thức này, các chuyên gia đã có đề xuất những giải pháp gì? Kinh nghiệm của Việt Nam trong vấn đề ra sao? VOV Giao thông sẽ tiếp tục đề cập trong bài viết tới.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn