Quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất: Cần tính trước các kịch bản an sinh

Trong khi dòng di cư từ các tỉnh thành phía Nam trở về quê vẫn chưa ngớt suốt tuần qua, thì các doanh nghiệp phía Nam đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân lực chưa từng có, do không gọi được công nhân trở lại làm việc

Nhận định về khả năng  thiếu hụt lao động do dòng người hồi hương từ các tỉnh phía Nam, chia sẻ với VOVGT, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động VN cho biết trong vòng 3-6 tháng tới, tình trạng thiếu hụt lao động sẽ diễn ra trầm trọng:

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Nhiều lao động đã rời khỏi các thành phố lớn sau một thời gian dài thất nghiệp vì dịch bệnh. Ảnh: Nhất Hoàng

3-6 THÁNG TỚI SẼ THIẾU LAO ĐỘNG TRẦM TRỌNG

PV: Thưa ông, ông có lo ngại về nguy cơ không thể gọi lao động trở lại và một loạt doanh nghiệp sẽ gặp khủng hoảng?

Ông Vũ Minh Tiến: Trong vòng 3 đến 6 tháng đầu sau giảm giãn cách và thu hút lao động trở lại thì sẽ xảy ra tình trạng thiếu nhiều, thiếu rầm trọng về lao động vì sự dịch chuyển về các địa phương rất nhiều. Nhưng về lâu dài, sau 6 tháng chẳng hạn thì tình trạng này sẽ giảm nhiều. Tôi cho rằng những trung tâm sản xuất công nghiệp sẽ vẫn là những nơi có lực hút rất mạnh đối với lao động nói chung.

PV: Vì sao ông có niềm tin rằng việc thiếu hụt lao động chỉ diễn ra trong ngắn hạn? 

Ông Vũ Minh Tiến: Chúng tôi đã trao đổi, phỏng vấn qua điện thoại, khảo sát một số người đã về quê và những người đang dự định về quê thì hầu hết có tâm trạng về để chờ đợi. Nếu doanh nghiệp hoặc các tỉnh, thành phố mà ổn định sản xuất thì sẽ có mong muốn quay lại thành phố, các khu công nghiệp, bởi vì cơ hội về việc làm mức thu nhập, điều kiện sinh sống, cơ sở hạ tầng, văn hóa cũng có lực hút rất nhiều.

PV: Vậy, theo ông cần làm gì để giảm thiểu nguy cơ thiếu hụt lao động trong giai đoạn tới?

Ông Vũ Minh Tiến: Thứ nhất là các doanh nghiệp cũng như địa phương nơi đến thực hiện tiêm vaccine cho công nhân và đảm bảo điều kiện làm việc an toàn và nơi sinh sống an toàn.

Thứ hai là các doanh nghiệp phải công bố công khai và cam kết tiền lương, tiền làm thêm giờ và những thu nhập phúc lợi mà công nhân sẽ quay trở lại làm việc.

Về lâu dài phải quan tâm về chế độ tiền lương đủ sống, chế độ phúc lợi các cơ sở hạ tầng để công nhân và con em công nhân sinh sống.

Bởi vì công nhân sẽ có sự lựa chọn hoặc là ở quê hoặc di chuyển nơi khác và người ta sẽ đến các khu công nghiệp hiện nay với điều kiện sẽ được cuộc sống tốt hơn, việc làm tốt hơn, thu nhập tốt hơn thì người ta lựa chọn. Đó là quan hệ cung cầu của kinh tế và thị trường lao động thôi. 

LÂU DÀI, KHÔNG THỂ BỐ TRÍ KCN, KCX 'CỤM' LẠI MỘT VÀI ĐỊA PHƯƠNG

Trao đổi với phóng viên VOVGT về giải pháp cho vấn đề thiếu hụt lao động phía Nam khi người dân ồ ạt hồi hương, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VIệt Nam cho rằng:

 

PV: Theo ông cần làm gì để giảm thiểu hoặc khắc phục tình trạng này?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Trước hết là từng doanh nghiệp phải có các chính sách về tiền lương, chế độ thưởng phù hợp để có thể kêu gọi người lao động quay về với chính doanh nghiệp của mình.

Thứ hai là chúng ta phải tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine cho tất cả người lao động, để họ yên tâm quay lại các thành phố, các đô thị lớn.

Trách nhiệm của tổ chức công đoàn, chúng tôi cũng sẽ cùng với người sử dụng lao động vận động, tuyên truyền, tổ chức các hoạt động phù hợp để kêu gọi người lao động quay về với doanh nghiệp. Trong đó có việc thiết kế, tổ chức những chuyến xe về những địa phương có đông lao động đón người lao động, rồi hỗ trợ về mặt kinh phí trên đường, rồi đảm bảo an toàn cho người lao động.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương có đông lao động trở về cũng tham gia cùng, vận động tuyên truyền đến từng địa phương, từng ngõ phố, từng thôn làng, giúp cho người lao động quay trở lại các doanh nghiệp, tránh việc có thể dẫn đến khủng hoảng nhân lực đang đe dọa hiện nay.

PV: Về lâu dài theo ông làm thế nào có thể tránh được tình trạng tương tự?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Về chiến lược lâu dài thì trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất phải tính toán hài hòa giữa các vùng ền.

Chúng ta cũng cần phải quan tâm đến những địa bàn khác để mật độ dân cư được điều chỉnh từ chính quá trình tổ chức phát triển kinh tế - xã hội; để tránh việc người dân tập trung vào một địa phương. Để tránh khi có khủng hoảng, ví dụ như dịch bệnh vừa rồi chúng ta phải nỗ lực giải quyết hậu quả của nó là hết sức lớn; và cũng dẫn đến những cuộc di cư tự phát rất đáng tiếc như vừa qua, giúp cho từng người lao động cũng có thể sống xây dựng tương lai hạnh phúc gia đình trên chính quê hương của mình.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông.