Quy hoạch 2 bờ sông Hồng, làm sao để thích ứng với biến đổi khí hậu?

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội xác định lấy sông Hồng là trục xanh, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Tuy nhiên, đợt mưa bão vừa qua, nhiều khu vực ven sông bị ngập, đời sống của nhiều người dân bị ảnh hưởng. 

Vậy cần phải điều chỉnh quy hoạch phát triển ở 2 bên bờ sông như thế nào để đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu?

Tại khu vực Đào Quất Nhật Tân Tứ Liên nước tràn sang bên phần nhà cao hơn, ngày 10/9 mới ngập ruộng phía sát sông, ngày 11/9 thì phía trong cũng ngập. (Ảnh: Quang Hùng)

Chiều ngày 11/9, hàng trăm hộ dân phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội đã bị ngập sâu trong nước do ảnh hưởng của cơn bão Yagi. Theo Hội làng nghề truyền thống quất cảnh Tứ Liên, đa số đất trồng quất ở bãi bồi ven sông, nên bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận lũ vừa qua.

Toàn bộ làng nghề có 22 héc ta trồng quất bị mất trắng, tổng số diện tích bị ảnh hường hơn 30 héc-ta, nhiều hộ gia đình không có quất để bán dịp Tết năm nay.

Là một người gắn bó với mảnh đất Tứ Liên vài chục năm, ông Nguyễn Thế Mạnh cho rằng nếu thành phố quy hoạch khu vực 2 bên sông, cần tính các phương án để hạn chế ngập úng cho khu vực này:

"Nếu mà quy hoạch ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Khi làm ven sông cần có những đường đê bao để không ảnh hưởng đến sản xuất. Nếu hạ tầng không tốt, không có hệ thống thoát nước, khi mà mưa lũ, ngập sâu hơn. Khi mà lấy đất làm quy hoạch làm sao để làm về cây xanh, chứ xây dựng nhà cửa đô thị cao tầng ảnh hưởng đến cảnh quan và hoạt động sản xuất của bà con".

Bà Ngô Thì Ngà, Chủ tịch Hội làng nghề trồng quất Tứ Liên, đa phần người dân trên địa bàn trông chờ vào hoạt động nông nghiệp, trồng quất cung cấp cho thành phố Hà Nội vào dịp cuối năm. Bà Ngà cũng như nhiều người dân bày tỏ mong muốn vẫn giữ được làng nghề truyền thống:

"Những người dân trồng quất, trồng đào ở quận Tây Hồ nói chung và phường Tứ Liên nói riêng rất mong muốn, làng nghề không còn nhiều, quy hoạch cũng mong Nhà nước giữ lại một phần đất nào đó phát triển, đảm bảo truyền thống làng nghề, giữ gìn bản sắc dân tộc".

Vườn quất cảnh ngập mênh mông nước. (Ảnh: Quang Hùng)

Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Giám đốc sáng tạo, đồng sáng lập Think Playground cho rằng, sự thay đổi khí hậu và nhiễu động sinh thái khiến một số khu vực của Hà Nội đã bị ngập sâu trong nước.

Cơn bão Yagi vừa qua là một phép thử rất lớn đối với thành phố Hà Nội, giúp thành phố thấy được ngưỡng lũ rất lớn, điều mà mấy chục năm qua không xảy ra.

Từ thực tế triển khai một số dự án ở khu vực ven sông Hồng, đội ngũ cán bộ của Think Playground đã chứng kiến sự thay đổi của dòng sông đó, nhất là khu vực bờ vở phường Phúc Tân (phần lở của bên dòng sông) và phát hiện ra nhiều quy luật sinh thái.

Theo ông Đạt, con người không nên lấn ra quá sâu ra lòng sông và cách hành xử với dòng sông, sẽ quyết định sự bền vững của đô thị đó: "Nếu như quy hoạch cứ chú trọng đến bê tông hóa và chúng ta cứ nghĩ đê là hành lang an toàn hay cách thiết kế theo hướng chúng ta đẩy con người ra sát mép sông để hưởng thụ cái view sông. Chúng tôi cho rằng, một là hành lang xanh. Cái tư vấn của chúng tôi cho quận Hoàn Kiếm là những khu vực gần dân nhất chuyển thành những không gian công cộng. Người dân có được không gian đó, họ sẽ cùng nhau đoàn kết, đối phó với biến đổi khí hậu".

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hiệp hội Quy hoạch Việt Nam cho rằng, Hà Nội đã có quy hoạch bãi giữa và bãi bồi 2 bên. Thủ tướng phê duyệt hành lang thoát lũ, những khu vực nằm trong hành lang thoát lũ nên để người dân làm nông nghiệp công nghệ cao. Khu vực bãi giữa sông Hồng sẽ không quy hoạch nhà cao tầng mà chỉ quy hoạch thành công viên văn hóa vui chơi giải trí của người dân thủ đô:

"Đối với Hà Nội, bãi giữa sông Hồng rất quan trọng là nơi tổ chức vui chơi giải trí, thể dục thể thao...Công trình ngoài đấy là một công trình vừa phải. Công trình đó chỉ chiếm đất một vài chỗ, diện tích không lớn lắm và phải thích ứng với biến đổi khí hậu".

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thời gian qua, đã xảy ra tình trạng lấn chiếm bãi bồi, nhiều khu vực ven sông Hồng đã bị người dân chiếm dụng làm những kho hàng, tập kết khoáng sản, xây nhà xưởng, trạm trộn bê tông… ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ khi có lũ lớn.

Sau ảnh hưởng của đợt mưa lũ hồi tháng 9,  ông Hồng nhấn mạnh, trong quy hoạch của Hà Nội cần xem xét, tính toán kỹ hơn quy hoạch thoát lũ: "Sông Hồng là khu vực thoát nước của cả đồng bằng Bắc Bộ. Nếu mà sông Hồng nguy cấp phải phân lũ về sông Đáy, phải giải tỏa rất nhiều, tốn kém rất nhiều, Nhà nước và người dân phải chịu đựng. Tất cả cái này phải đưa vào quy hoạch. QH khi có lũ sẽ giải quyết như thế nào mới là điều khó".

GS Vũ Trọng Hồng nhấn mạnh, thành phố cần hết sức thận trọng khi phát triển thành phố 2 bên sông, không nên để các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào quá trình này, mà chỉ làm bằng nguồn vốn và ngân sách Nhà nước. Các công trình xây dựng khu vực này cũng cần có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, có thể tháo dỡ khi có lũ.

Thành phố cần hết sức thận trọng khi phát triển thành phố 2 bên sông Hồng. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Cơn bão số 3 hồi tháng 9 tràn qua Hà Nội, nước sông Hồng một lần nữa lại dâng cao, càng cho thấy vai trò của quy hoạch thoát nước sông Hồng với Thủ đô hiện tại và tương lai. Quy hoạch sông Hồng cần ưu tiên dành không gian cho nước, bảo đảm thoát lũ nhanh mùa nước, hạn chế phát triển đô thị, công trình xây dựng trên hành lang này, mới có thể giúp thành phố dễ dàng ứng phó với biến đổi khí hậu.

VOV giao thông xin giới thiệu bài viết của KTS Trần Huy Ánh, Hội viên Hội KTS Hà Nội: "Quy hoạch 2 bên sông Hồng, cần đảm bảo trữ nước và thoát lũ".

 

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng Sông Hồng. Bên cạnh đó, quy hoạch sông Hồng cũng được đề cập tại Quy hoạch Tài nguyên nước, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2024), Quy hoạch phân khu sông Hồng, nội dung này cũng đưa vào  Luật Thủ đô vừa mới thông qua tháng 6 vừa qua…Tất cả các văn bản đó đều thống nhất phải phù hợp với Luật Đê Điều

Hiện nay, trong bản Quy hoạch Thủ Đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã xin ý kiến Quốc Hội và trình Chính phủ vẫn còn vẽ các đô thị, công viên đô thị, nông nghiệp đô thị vào các khu vực thoát lũ. Điều này là không phù hợp với quy định của Luật Đê điều, yêu cầu các công trình xây dựng mới trong khu vực hành lang thoát lũ bảo đảm yêu cầu không làm cản trở dòng chảy, không tôn cao bãi sông và chỉ dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng và các công trình được phép xây dựng ngoài bãi sông theo pháp luật Đê điều.

Qua cơn bão số 3 với nguy cơ lũ đầu tháng 9/2024 và có biểu hiện khô hạn, thiếu nguồn nước cho nhà máy nước sông sông Đà đầu tháng 10/2024 cho thấy vai trò trọng yếu của sông Hồng trong phòng chống lũ và khô hạn và chống xâm nhập mặn.

Do vậy, các quy hoạch cần khoanh vùng bảo vệ cụ thể, nghiêm ngặt, hạn chế bố trí phát triển, nhất là các ngành kinh tế, cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở sản xuất nếu được xây dựng phải đầu tư hệ thống xử lý rác, nước thải, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.

Đặc biệt, cần ưu tiên hành lang bảo vệ an toàn đê điều. Trong đó, thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê điều, đồng thời tăng cường đầu tư hạ tầng để nâng cấp đê, không nâng cao các tuyến đê bối hiện có và không xây dựng đê bối mới. Cùng với đó, thành phố tăng cường quản lý, sử dụng bãi sông bảo đảm không gian thoát lũ; có biện pháp cụ thể đối với các khu vực dân cư tập trung hiện có nằm ngoài bãi sông.

Ngày 11/9, người dân ở xóm 10, Yên Mỹ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) phải đội mưa, lội nước đi mua những mặt hàng thiết yếu như cơm và nước sinh hoạt do nước sông lên cao sau ảnh hưởng của bão Yagi (Ảnh: Quang Hùng)

Đất đai ven sông Hồng, sông Đuống đặc biệt khu vực lòng sông trong đê (bao gồm bãi sông bãi nổi) trong Luật Thủ đô cần thống nhất và nhấn mạnh tuân thủ theo Luật Đê điều. Bởi lẽ Luật Đê điều bảo vệ Hà Nội an toàn khi lũ lớn trong suốt thế kỷ 20, đồng thời sẽ bảo đảm an ninh giữ nguồn nước sạch cho Hà Nội và cả vùng trong thế kỷ 21, và cả mai sau trước thảm họa khô hạn và ô nhiễm nguồn nước.

Trong thời gian gần đây, đất nước ta chịu nhiều tác động về biến đổi khí hậu và những tác động thay đổi nguồn nước liên quốc gia. Sông Hồng ngày càng ít nước, lòng sông biến dạng do khai thác cát tràn lan; nguồn nước cấp vào các sông trong thủy hệ Hà Nội kém dần, dẫn đến cạn dòng ngưng tụ ô nhiễm,  ảnh hưởng nặng nề đến các sông hồ khác của Hà Nội …

Khó khăn lớn nhất để thực thi Luật đê điều trong nhiều năm qua là đất định cư cho 0,3 triệu cư dân  ngoài đê thuộc địa phận Hà Nội nhưng Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh quy hoạch đã mở rộng rất nhiều đô thị mới (thành phố trong thành phố, Thành phố vệ tinh, thành phố Bắc sông Hồng) với khả năng tiếp nhận thêm hơn 3 triệu người, gấp 10 lần dân cư ngoài đê.

Do vậy, để đảm bảo đủ không gian định cư  an toàn giá trị cho bà con thì trong quy hoạch sông Hồng cần khôi phục không gian thoát lũ và trữ nước trong  đê sông Hồng và thủy hệ Hà Nội. Có như vậy, thành phố Hà Nội mới có để an toàn trước bão lũ, đảm bảo an ninh nguồn nước cũng như thích ứng với các thách thức của biến đổi khí hậu .