Quy chế mới quản lý chung cư: Không nên quá kỳ vọng!

Quyết định 29 của UBND TP Hà Nội (gọi tắt là quy chế riêng quản lý chung cư) có hiệu lực từ ngày 10/12. Liệu nó sẽ tạo bước đột phá trong việc “gỡ khó” các tranh chấp giữa người dân, ban quản trị với chủ đầu tư các dự án chung cư hiện nay?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Đối thoại với PV VOV Giao thông, ông Trần Huy Ánh, một trong những KTS đầu tiên vẽ những bản thiết kế chung cư kiểu mới ở Hà Nội chia sẻ.

PV: Ông kỳ vọng gì vào quy chế mới quản lý chung cư ở Hà Nội?

Ông Trần Huy Ánh: Tôi cho rằng, những văn bản mới đương nhiên có nội dung mới, hỗ trợ các bên liên quan đối thoại theo trình tự phù hợp, gỡ rối trong một vài tình huống cụ thể.

Nhưng về tổng thể, rắc rối vẫn trực chờ, các quy chế chưa kịp xử lý mâu thuẫn cũ đã xuất hiện muôn vàn cái mới. Các tổ chức, cá nhân soạn thảo quy chế này là ai?

Có chuyên sâu pháp lý, xã hội học, kinh tế học, có tương tác, tham vấn các bên liên quan, chuyên gia? Chúng ta cần tỉnh táo và không nên quá kỳ vọng vào những văn bản như thế.

PV: Ông chia sẻ rõ hơn về điểm hạn chế của văn bản này?

Ông Trần Huy Ánh: Vấn đề là những mối quan hệ lỏng lẻo, bất bình đẳng giữa 3 bên, gồm bên mua, bên bán và những người ra quy định thể thức mua bán, quyền lợi các bên.

Văn bản này không rõ trách nhiệm cụ thể và những rủi ro. Quy định hỏng thì sao, khi phát sinh, người ra văn bản lại vô can.

Tôi chưa thấy ai xử lý người ra văn bản mà văn bản không có quyền năng xử lý. Trách nhiệm người ra văn bản rất lỏng lẻo, chất lượng văn bản cũng không đáng tin cậy.

Bên bán không có tài sản thế chấp đảm bảo khắc phục sai phạm. Bên mua hứng toàn bộ rủi ro, luôn đứng ở đằng lưỡi, không có quy định nào có giá trị khi kết cấu thiếu bình đẳng.

Tôi cho rằng nó hình thức và không có tính thực tiễn.

PV: Ông có đề xuất nào để Hà Nội quản lý chung cư hiệu quả hơn?

Ông Trần Huy Ánh: Bản chất mối quan hệ này là tài chính, nó cứ ‘cọc cạch’ suốt đời. Chúng ta phải bỏ, đừng dùng công cụ hành chính, phải dùng công cụ tài chính để điều chỉnh.

Chừng nào việc sinh ra tiền bạc bất hợp pháp không bị trừng trị, nó còn này nở, biến hóa, chừng nào việc kiếm lợi bất chính bị xử phạt gấp hàng trăm, nghìn lần cái lợi thu được, lúc đó gian lận tài chính, mua bán chung cư mới chấm dứt.

Chúng ta còn thiếu hành lang pháp lý như vậy.

Cảm ơn chia sẻ của KTS!

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: