Quý 4/2024 sẽ khởi công Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến Quốc lộ tại ĐBSCL

Trước kiến nghị của cử tri các tỉnh ĐBSCL về việc sớm bố trí nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp, mở rộng một số tuyến quốc lộ huyết mạch trong vùng, mới đây Bộ GTVT đề xuất Chính phủ dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến QL53, 62, 91B tại ĐBSCL sử dụng vốn vay Ngân hàng thế giới (WB).

Đề xuất này đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ VN làm chủ đầu tư tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Vậy kế hoạch thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ này sẽ được triển khai thế nào?

Xung quanh nội dung này, PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với ông Vũ Hải Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam.

 

PV: Mới đây Bộ GTVT đã có quyết định giao Cục Đường bộ VN làm chủ đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến QL53, 62, 91B tại Đồng bằng sông Cửu Long, xin ông cho biết kế hoạch triển khai cụ thể dự án này?

Ông Vũ Hải Tùng: Sau khi được Bộ GTVT giao nhiệm vụ lập báo có nghiên cứu tiền khả thi dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ này, Cục Đường bộ VN đã giao nhiệm vụ cho Ban QLDA 3 và Ban QLDA 8 cùng thực hiện việc tổ chức lập báo có nghiên cứu tiền khả thi.

Tuy nhiên, việc này liên quan và phụ thuộc nguồn vốn chuẩn bị đầu tư, đến nay các Ban QLDA đang triển khai công tác chuẩn bị, phấn đấu đến tháng 1 năm 2024 Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư, sau khi có chủ trương đầu tư sẽ triển khai các thủ tục về lập dự án đầu tư và trình Thủ tướng phê duyệt, sau đó sẽ đàm phán kí kết hiệp định với nhà tài trợ.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT phấn đấu đến quý 4/2024 sẽ khởi công dự án, tiến độ này vô cùng sít sao, bởi đối với các dự án vay ODA từ trước đến nay các thủ tục tương đối phức tạp, phải qua nhiều bộ ngành, nhiều vòng và với dự án này ít nhất 3 vòng.

Thứ nhất là đề xuất dự án thì Thủ tướng đã phê duyệt rồi, sau đó đến chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư và đàm phán kí kết hiệp định...rất nhiều thủ tục.

Tuyến quốc lộ 91B đã xuống cấp trầm trọng sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng (Ảnh: dangcongsan.vn)

PV: Hiện nay tại khu vực đang triển khai hàng loạt dự án như cao tốc như: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang... việc triển khai đồng loạt 3 quốc lộ thuộc dự án này sẽ phải đối mặt với các khó khăn về vật liệu, Cục Đường bộ VN đã lường trước vấn đề này và sẽ có giải pháp gì?

Ông Vũ Hải Tùng: Đối với dự án nâng cấp cải tạo 3 tuyến quốc lộ này thực tế vật liệu đắp cũng không nhiều, chủ yếu là vật liệu đá phục vụ làm móng mặt đường và thứ hai là vật liệu cát đang là vấn đề khó và quan trọng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên khối lượng cát sử dụng cho dự án này không lớn.

Khi dự án này triển khai sử dụng nhiều vật liệu rơi vào giữa năm 2024 trở đi cho đến năm 2025, 2026, hy vọng khi đó nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án cao tốc đã cơ bản hoàn thành. Đồng thời hy vọng tại thời điểm đó vật liệu cát biển dùng để đắp có thể có những hướng dẫn và cho phép sử dụng ở phạm vi nhất nhất định, sẽ làm giảm bớt khó khăn về nguồn vật liệu.

PV: Ngoài vấn đề vật liệu thì việc giải phóng mặt bằng dự báo cũng sẽ gặp nhiều trở ngại, về phía Cục ĐBVN đã có sự chuẩn bị thế nào?

Ông Vũ Hải Tùng: Trong 3 quốc lộ thì trừ QL91B đã được giải phóng mặt bằng cơ bản ở bước trước và dự án trước đây, còn lại QL53 và QL62 thì khối lượng giải phóng mặt bằng cũng tương đối nhiều.

Hiện nay Cục Đường bộ VN đang chỉ đạo các Ban QLDA và các đơn vị đi điều tra, đánh giá khối lượng đơn giá giải phóng mặt bằng, đảm bảo sao cho khi triển khai không bị tăng tổng mức đầu tư quá nhiều.

Đây là yếu tố tương đối phức tạp, vì hiện nay theo quy định về khung giá đất của địa phương ban hành khá thấp so với đơn giá thị trường và sắp tới Luật Đất đai sửa đổi được ban hành, việc đền bù sẽ theo giá thị trường, đây cũng là vấn đề tương đối khó khăn.

Vì vậy để đảm bảo cho dự án được triển khai thuận lợi và không phải điều chỉnh dự án sau này, chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện đánh giá khối lượng và đơn giá giải phóng mặt bằng.

Hiện tổng mức đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo 3 quốc lộ này dự kiến là 309 triệu USD, tương đương với 7.100 tỷ đồng, hiện các Ban QLDA đang rà soát lại các chi phí, kể cả chi phí xây dựng và chi phí giải phóng mặt bằng, tuy nhiên nhiều khả năng chi phí giải phóng mặt bằng sẽ phát sinh.

PV: Xin cảm ơn ông!