Quay phim chụp ảnh vi phạm giao thông như thế nào là đúng?

Sau khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025 đã tạo ra chuyển biến đáng kể trong nhận thức của người tham gia giao thông.

Tuy vậy cũng có 1 bộ phận không nhỏ người dân hiểu chưa đầy đủ về việc ghi hình các vi phạm giao thông nên đã gây ra nhiều tranh luận. PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ nhiệm đoàn Luật sư TP.HCM về nội dung này.

PV: Xin chào luật sư Nguyễn Văn Hậu, ông đánh giá như thế nào về sự ra đời của Nghị định 168 và tác động của nó với hoạt động giao thông đường bộ?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Tôi thấy Nghị định 168 của Chính phủ quy định về vi. phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm và phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đã nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng , xã hội, mọi người dân đã chấp hành rất tốt trong hoạt động giao thông đường bộ.

Việc này đã tạo ra hiệu ứng tích cực từ phía người dân cũng như cộng đồng xã hội và nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Tuy vậy tôi cũng có kiến nghị về việc sửa 1 số quy định cần được làm rõ.

Ảnh nh họa: Sức khỏe&Đời sống

PV: Thực tế những ngày vừa qua có 1 làn sóng mà người ta hay nói với nhau là bây giờ có nghề mới là ra ngã tư chụp hình, quay phim về các vi phạm giao thông, thậm chí có người lên mạng rao bán các video clip vi phạm giao thông. Phải chăng có 1 bộ phận người dân đang nghĩ sai về việc này thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Thực trạng này tôi cho là những hành vi vi phạm pháp luật. Việc quay phim chụp ảnh nhằm mục đích phát hiện các hành vi vi phạm để chuyển những thông tin đó cho các cơ quan thẩm quyền như csgt để xử phạt, và việc này cũng cần được thực hiện đúng pháp luật.

Với trường hợp anh vừa nói thì tôi khẳng định là hành vi vi phạm pháp luật và cần có các chế tài để bổ sung vào các quy định pháp luật để hạn chế tình trạng lạm dụng quyền này gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, cần phải xử lý nghiêm các vi phạm này.

Cần lưu ý trường hợp quay lén người khác rồi công khai đăng tải các hình ảnh này nhằm mục đích xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định điều 155 Luật Hình sự hiện hành.

Tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm có thể bị phạt tù từ 10 -30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm và phạt tù lên đến 5 năm. Ngoài ra người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề trong công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

PV: Luật sư có kiến nghị gì để sửa đổi những điểm nào để công tác xử lý vi phạm giao thông cũng như cung cấp thông tin hình ảnh vi phạm được hiệu quả và đúng pháp luật?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Chúng ta đã có Nghị định 176 quy định việc quay phim chụp ảnh báo cáo vi phạm có thể được xem là hợp pháp nếu như thực hiện đúng cách và đúng khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về việc chụp ảnh quay phim các vi phạm như thế nào là phù hợp do đó nếu cho phép chụp ảnh quay phim có thể dẫn đến tình trạng một số cá nhân lợi dụng quyền này để ghi lại hình ảnh của người khác mà không được sự đồng ý của họ từ đó xâm phạm quyền riêng tư của họ.

Theo tôi, cần có những quy định chi tiết về việc ai là người có quyền quay phim, chụp ảnh trong những hoàn cảnh nào, bối cảnh giao thông như thế nào để tránh việc lạm dụng rồi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Những người có thẩm quyền hoặc được cấp phép mới được thực hiện việc này vì quyền con người, quyền công dân theo hiến định là bất khả xâm phạm. Chúng ta cần tuyên truyền nhiều hơn về quyền riêng tư cũng như trách nhiệm ghi hình để nâng cao ý thức của cộng đồng về vấn đề này.

Chúng ta cần thiết lập có cơ chế giám sát để xử lý nghiêm các trường hợp lạm dụng quyền chụp ảnh quay phim nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!