Quản lý nhu cầu du lịch để không bị động trong những mùa cao điểm

Sự đông đúc, tấp nập trở lại ở các khu du lịch, nghỉ dưỡng, tham quan, di tích… là một tín hiệu rất đáng mừng. Vậy, từ những gì đã diễn ra trong đợt nghỉ lễ vừa qua, cần phải làm gì để không bị động trong những mùa cao điểm? Phương án nào để quản lý tốt hơn nhu cầu du lịch?

Nơi tấp nập như dự báo, nơi phút chót bất ngờ "ế" khách

Trong 4 ngày của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, các điểm du lịch tại Thanh Hóa đã đón tới gần 900 nghìn lượt khách, trong đó Sầm Sơn đón lượng khách "siêu khủng" lên tới 650 nghìn lượt.

Bởi bãi biển Sầm Sơn luôn ken cứng người tắm biển nên nhiều trải nghiệm không thoải mái nhưng anh Nguyễn Văn Hùng, du khách đến từ Hà Nội cho biết, không có tình trạng ép giá, ép khách: "Mình thấy khá là đông, mọi người đến tắm biển tấp nập, việc xả rác khó tránh khỏi. Việc phục vụ ăn uống khá tốt, không quá chậm trễ khiến mình khó chịu".

Tại Đà Nẵng, lượng khách nội địa trong dịp nghỉ lễ vừa qua đã vượt thời điểm này của năm 2019. Do lượng khách quốc tế chưa phục hồi nên ngành du lịch Đà Nẵng có thể phục vụ tốt cho cao điểm khách trong nước.

Trong khi đó, lượng du khách được dự kiến đi chơi dịp Lễ tới Phú Quốc bất ngờ "quay xe" giảm cực mạnh. Những tưởng vào nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các khách sạn tại đây sẽ kín phòng, dịch vụ và phương tiện đi lại sẽ tăng cao và khó đặt, nhưng nhiều người làm du lịch tại Phú Quốc dù chuẩn bị kỹ lưỡng lại "ế" khách.

12 giờ đồng hồ là thời gian di chuyển của một gia đình từ Hà Nội tới Cửa Lò trong dịp nghỉ Lễ vừa qua. Việc di chuyển khó khăn tới các điểm du lịch khiến nhiều người ám ảnh.

Cũng trong dịp này, khi hàng vạn du khách tới đảo Cát Bà, Hải Phòng đã khiến bến phà Gót luôn trong tình trạng kẹt cứng. Anh Dũng và nhiều du khách chật vật trong cảnh ùn tắc kéo dài: "Ra đến phà đã thấy một lượng lớn xe khách, xe cá nhân ở đấy rồi, chờ ở đấy từ 10h đến 5h chiều thì các chị bán vé thông báo là phà không chạy được, gia đình em kiếm chỗ ở tạm và hôm sau chờ từ 8h rưỡi đến 12h trưa thì lên được phà".

Lượng khách du lịch tăng cao trong dịp lễ 30/4 và 1/5 là tín hiệu vui với ngành du lịch các địa phương nhưng cũng là áp lực với những địa phương mà nguồn lực còn hạn chế.

Ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau chia sẻ, mặc dù đã phán đoán trước lượng khách tăng nhưng các dịch vụ chưa theo kịp nên chất lượng phục vụ còn hạn chế: "Dịp Lễ vừa qua, các khách sạn, nhà hàng đều quá tải, công suất phòng là 100%, các cơ sở hạ tầng, đường xá còn khó khăn, chưa kết nối được với nhau, chưa có các khu vui chơi lớn để phục vụ nhu cầu du khách".

Giải pháp nào để tăng cường quản lý nhu cầu du lịch?

Ngành du lịch đang từng bước phục hồi và dự báo tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Trong khi đó, những hạn chế về thông tin và hệ thống dự báo nhu cầu du lịch chưa đồng bộ, thống nhất dẫn tới nhiều khó khăn, gây trở ngại cho phát triển du lịch.

Vậy giải pháp nào để tăng cường quản lý nhu cầu du lịch, từ đó đề xuất được những giải pháp đúng đắn và phù hợp nhằm phát triển ngành công nghiệp không khói này? Phóng viên VOVGT đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam về nội dung này.

PV: Việc quản lý tốt nhu cầu du lịch sẽ có ý nghĩa thế nào cho công tác tổ chức phục vụ du khách, đặc biệt trong những mùa cao điểm?

Ông Hoàng Nhân Chính: Chúng ta có thể chứng kiến bức tranh quá tải trong các mùa cao điểm du lịch, việc có đông khách du khách tới cùng 1 thời điểm là tín hiệu cho thấy du lịch đã phục hồi trở lại nhưng bức tranh quá tải cứ lặp đi lặp lại cũng đem đến nỗi lo cho những người làm du lịch và chưa thể đem đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách du lịch.

Nhiều địa phương sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đang tìm cách thu hút được nhiều du khách chứ chưa quan tâm để cảnh báo cho du khách biết khả năng bị quá tải hay không nên trong thời gian tới, các địa phương cần chuẩn bị tâm thế khuyến cáo cho khách du khách.

Và tôi nghĩ chúng ta cần tìm ra được giải pháp lâu dài để làm sao những người đi du lịch thực sự có cảm nhận tốt nhất sau mỗi chuyến đi.

PV: Vậy, những giải pháp nào để tăng cường quản lý nhu cầu du lịch trong thời gian tới?

Ông Hoàng Nhân Chính: Để quản lý được vấn đề quá tải trong du lịch cần có nghiên cứu về sức chứa của một điểm đến, xem một điểm du lịch có thể phục vụ tối đa bao nhiêu khách là tốt nhất, với dịch vụ và bảo vệ cho môi trường thiên nhiên.

Chúng ta có nghiên cứu này và địa phương có số liệu này thì địa phương sẽ có được bức tranh toàn cảnh để có thể đưa ra những cảnh báo cho khách du lịch trước mỗi mùa cao điểm.

Chúng ta biết trước được khả năng về sức chứa của điểm đến thì chúng ta sẽ có được giải pháp để phục vụ du khách được chu đáo, không bị quá tải.

PV: Ở một số quốc gia du lịch phát triển, họ quản lý nhu cầu du lịch ra sao?

Ông Hoàng Nhân Chính: Các quốc gia phát triển họ có nghiên cứu về sức chứa của điểm đến và cái này chúng ta nên học tập, ngoài ra các chuyên gia nước ngoài cũng đưa ra giải pháp là xử lý khủng hoảng đám đông.

Chắc chắn các nước khác cũng có những sự kiện cùng một lúc thu hút nhiều khách đến và họ đã đưa ra bài toán riêng để giải quyết như bài toán về phân luồng giao thông từ điểm đi và điểm đến; bài toán giải quyết về vệ sinh môi trường, giữ an toàn an ninh ở đám đông và an toàn thực phẩm.

Điều này cần được xây dựng kịch bản từ trước các thời điểm đông khách và triển khai các phương án đặc biệt hơn chứ không phải các phương án như bình thường.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Để tìm hiểu rõ hơn, mời thính giả lắng nghe cuộc tọa đàm phát thanh với chủ đề “Quản lý nhu cầu du lịch để không bị động trong những mùa cao điểm?"