Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại TP.HCM: Loay hoay tìm lời giải

TP.HCM mỗi ngày có khoảng 9.200 tấn rác thải, tương đương với hơn 3 triệu tấn rác thải mỗi năm. Đây là con số rất đáng suy ngẫm và có bao giờ chúng ta tự hỏi, vậy lượng rác thải sinh hoạt khổng lồ đó sẽ đi đâu, và được xử lý, quản lý như thế nào?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Rác thải vẫn là vấn đề nóng tại TPHCM. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Từ giai đoạn 2003-2004, TP.HCM có chủ trương xã hội hóa xử lý chất thải và kêu gọi các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến. Hai khu Liên Hiệp xử lý chất thải rắn được ra đời sau đó là Khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) và Khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh).

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Việt, Nguyên Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn – Sở TN&MT TP.HCM, sau hơn 15 năm, với khối lượng rác TP mỗi năm tăng 10%, công nghệ cũ gần như không thể đáp ứng: “Do mùi của bãi chôn lấp Khu Liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước quá lớn, nên người ta mới đẩy mạnh các dự án đầu tư xử lý bằng phương pháp đốt. Tuy nhiên, nó gặp rất nhiều khó khăn. Chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam có một đặc thù là độ ẩm quá lớn. Nếu chúng ta đốt tốn rất nhiều năng lượng, chi phí vận hành tăng lên.“

TP.HCM vừa khởi công nhà máy đốt rác phát điện tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn Tây Bắc với công suất 2.000 tấn/ngày, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Vietstar. Ông Hùng Việt, Giám đốc Công ty CP Vietstar chia sẻ, với tổng vốn đầu tư 400 triệu USD, dự án kỳ vọng sẽ giải được bài toán rác thải của Thành phố. Tuy nhiên, khó khăn mà nhà máy này gặp phải đó chính là tiếp tục phải phân loại rác trước khi xử lý, bởi việc phân loại rác tại nguồn của Thành phố vẫn “giẫm chân tại chỗ” sau nhiều kế hoạch triển khai.

“Rác ở đây rất lộn xộn. Tất cả họ đều đưa vào với nhau hết, không được phân loại. Nhà máy xử lý như nhà máy của tôi phải bỏ rất nhiều công sức để phân loại ra những thành phần có thể tái chế được và có thể bỏ đi", ông Hùng Việt cho biết.

Mục tiêu của các nhà máy theo công nghệ hiện đại là xử lý rác làm phân compost phục vụ trong nông nghiệp, nhưng làm compost chỉ áp dụng được cho chất thải rắn thực phẩm, còn lại các chất như nhựa, cao su, nilon… thì phải trải qua công nghệ tái chế. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trung Việt, các nhà máy tái chế, xử lý rác chưa đạt chỉ tiêu công nghệ, tỉ lệ tái chế chỉ đạt 40%, còn lại là chôn lấp, đốt tiêu hủy. Ngoài ra, chi phí là vấn đề cũng cần phải tính đến: “Mỗi dự án 400 triệu USD, thì vấn đề vay vốn rất nan giải. Thứ hai là Thành phố chỉ chi trả 21 USD/tấn thì quá thấp. Chúng ta chỉ cần tính đơn giản, chi phí như vậy không đủ chi phí để nhà máy hoạt động".

Xử lý rác thải sinh hoạt tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. HCM. Ảnh: Tạp chí Môi trường

UBND TP.HCM đã có Quyết định 12/2019 về quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP, quy định cụ thể trách nhiệm của người thu gom, vận chuyển, trong đó có cả lực lượng gom rác dân lập. Ông Nguyễn Trọng Nhân, Phòng Chất thải rắn Sở TN&MT TPHCM thông tin, Lãnh đạo Thành phố đã có chỉ đạo định hướng phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 2 nhóm, đó là nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế, và nhóm rác thải còn lại. Tuy nhiên, việc tổ chức thu gom, vận chuyển không đồng bộ cũng dẫn đến chất thải tồn đọng.

“Theo quyết định 12 thì hoạt động quản lý thu gom rác thuộc chính quyền địa phương, và hoạt động thu gom rác sinh hoạt nó còn tồn tại những bất cập, chủ yếu là về vấn đề chuyển đổi phương tiện, quy hoạch lại địa bàn, phạm vi hoạt động làm sao cho hiệu quả và tối ưu", ông Nguyễn Trọng Nhân cho biết.

Đặc thù thành phần chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng chủ yếu là rác hữu cơ, độ ẩm cao, nhiệt trị thấp nên thông thường sẽ dễ tiêu hủy. Bởi vậy, giải pháp được xem là tối ưu, theo ông Nguyễn Trung Việt là tập trung nguồn lực hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn để tận dụng: "Cái đó phân hủy rất nhanh có thể tạo mùn rất tốt và có thể tạo khí sinh học để làm khí đốt, thì mình có thể tách cái đó ra rồi mình làm mùn. Nhưng muốn tiêu thụ được mùn, thì địa phương phải có chính sách hỗ trợ rất mạnh, tức là phải có vùng đất nông nghiệp, phải có vùng rừng để tiêu thụ lượng đó. Những chất còn lại như nilon, nhựa… chúng ta có thể đốt để phát điện thì lúc đó chúng ta mới có lời. Còn cứ làm như bây giờ không bao giờ chúng ta làm được đâu".

TP.Hồ Chí Minh đặt ra lộ trình sẽ giảm tỉ lệ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp còn 50% vào năm 2020 và 20% vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu đó, cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp quản lý và sự hưởng ứng của cộng đồng cũng như quyết tâm của các cơ quan địa phương.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 29/10 tại đây: