QL 91 tiếp tục bị rạn nứt

Vị trí sạt lở cũng là đoạn đường đã xảy ra sạt lở vào năm 2010, sau khi bị sạt lở, đoạn đường này đã được đầu tư xây dựng kè đá kiên cố.

Vết nứt cách vị trí sạt lở có chiều dài khoảng 20m

Chiều 23/5, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú tỉnh An Giang cho biết, vào khoảng 6 giờ sáng cùng ngày, địa phương nhận được tin báo của người dân, đoạn đường QL91 cũ, đi qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, Châu Phú lại tiếp tục xuất hiện vết nứt dài và có khả năng xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Vị trí vết nứt này cách vị trí sạt lở hồi tháng 7 năm ngoái khoảng vài chục mét về hướng TP. Long Xuyên; với chiều dài khoảng 20m, bề rộng vết răn nứt khoảng 1cm, cách mép bờ sông Hậu khoảng 8m; khu vực xuất hiện vết nứt bên phía bờ sông Hậu không có nhà dân, nhưng phía trong QL. 91 có nhiều nhà dân.

Đây cũng là đoạn đường đã xảy ra sạt lở vào năm 2010, sau khi bị sạt lở, đoạn đường này đã được đầu tư xây dựng kè đá kiên cố.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân huyện Châu Phú đã huy động các lực lượng tại chỗ tiến hành kéo dây, gắn biền cảnh báo và cử lực lượng túc trực 24/24 để hướng dẫn bà con không đi vào khu vực nguy hiểm.

Đồng thời, phối hợp các ngành chức năng của tỉnh thiết lập vùng không an toàn cả đường sông và đường bộ, cấm tất cả các phương tiện và người dân không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, lắp đặt biển báo hướng dẫn, phân luồng giao thông sang tuyến Quốc lộ 91 mới đoạn từ cầu Bình Mỹ đến cầu Cây Dương, nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông lưu thông theo hướng Long Xuyên – Châu Đốc và chiều ngược lại.

Đồng thời, huyện cũng đang khẩn trương phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát khu vực bờ sông Hậu ở nơi xuất hiện các vết nứt để có hướng xử lý kịp thời, bảo đảm giao thông được an toàn trong thời gian tới.

Khu vực có nguy cơ sạt lở

Người dân sống ở khu vực này cho biết, hiện nay vết nứt có dấu hiệu mở rộng, nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khiến người dân sống ở đây rất hồi hộp và lo lắng, bà Trương Thị Diệu Hằng nhà ở giáp khu vực sạt lở cũ, và cũng gần với khu vực đang có vết nứt hiện nay cho biết:

“Sống trong khu vực này thấy bất an, ăn không được, ngủ không được vì không biết sạt lở nó đi tới dâu. Sống trong vùng sạt lở này thấy bị ảnh hưởng và rất là khổ, đi tới đi lui cũng không được. Hồi lúc trước bị sạt lở nhà của bị rung rinh luôn. Từ lúc sạt lở đến giờ làm ăn rất khó khăn, buôn bán không có được, từ chỗ đó nên trong gia  đình thiếu thốn giữ lắm”./.