Phụ huynh tham gia kiểm tra bếp ăn học đường: Vẫn còn hình thức

An toàn thực phẩm bếp ăn học đường luôn là câu chuyện nóng trong nhiều năm gần đây, với những vụ ngộ độc thực phẩm do bữa ăn bán trú. Năm học mới 2020-2021, nỗi lo vẫn còn đó.

Phụ huynh thăm quy trình chế biến thức ăn tại bếp ăn trường học. Ảnh nh họa

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã đề nghị các địa phương huy động sự tham gia giám sát của ban đại diện cha mẹ học sinh vào công tác tác này. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân được chỉ ra là bởi sự tham gia của phụ huynh vẫn chỉ dừng lại ở hình thức. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Trên một số diễn đàn, các phụ huynh thú nhận từng tìm đủ mọi cách để “đột nhập” vào trường xem bữa ăn trưa của các con thế nào, nhưng gần như đều thất bại vì phải qua rất nhiều "cửa ải”. Vụ phát hiện những dấu hiệu bất thường tại trường Tiểu học Phước Long 1 ở Nha Trang mới đây là trường hợp hiếm hoi mà phụ huynh có thể "lọt" vào và mục sở thị bếp ăn của trường. Đoạn băng lan truyền trên mạng xã hội ghi lại: “Canh thấy vị nêm ngọt đường, kiểm tra rau cải thảo với rất ít thịt nhưng báo cáo là nửa ký. Đề nghị kiểm tra thường xuyên hơn như thế này ăn không đảm bảo..."

Nhiều phụ huynh muốn tiếp cận kiểm tra bữa ăn bán trú của con, nhưng e ngại nhà trường sẽ có phản ứng không tốt với con mình, còn đề xuất qua hội phụ huynh thì ít khi hiệu quả. Hoặc, hội phụ huynh có tham gia kiểm tra, nhưng phải báo trước theo yêu cầu của nhà trường, dẫn đến kết quả khó phản ánh thực chất.

Cũng theo phản ánh của phụ huynh, hiện có sự khác biệt nhất định về mức độ tham gia giám sát của cha mẹ học sinh với bếp ăn học đường, ở các khối trường khác nhau:

- “Trước đây khi con học lớp 1 được đi tham quan trường, bếp ăn, bữa ăn mẫu. Nhưng sau đó, học ở trường công mà thời gian ăn giới hạn mình cũng không có kênh thông tin nắm chi tiết." 

- "Buổi sáng phụ huynh đưa con đi học thôi không được giám sát món nấu trong bếp. Chỉ nhìn qua ở ngoài thôi không được nhìn trực tiếp."

Chỉ vài tuần sau khi năm học mới bắt đầu, 98 học sinh Trường tiểu học Bình Trưng Đông – TP.HCM có biểu hiện bất thường sau bữa ăn bán trú, 55 em đã nhập viện; liên tiếp sau đó là 2 vụ việc tương tự ở Đông Anh, Hà Nội khiến hàng chục trẻ em bị rối loạn tiêu hóa.

Gần đây nhất, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Phước Long 1, TP. Nha Trang đã có phản ánh bức xúc về việc bữa ăn bán trú không đảm bảo chất lượng, bị bớt xén khẩu phần.

Tiến sỹ Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, việc quản lý bếp ăn trường học mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh, nhân lực, quy trình lưu mẫu thực phẩm... mà chưa chú trọng đúng mức đối với nguồn gốc thực phẩm. Mặt khác, măc dù phụ huynh đóng tiền ăn bán trú cho con nhưng lại không có quyền quyết định lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, hoặc giám sát việc thực hiện của họ.

Kiểm tra thực phẩm tại bếp ăn Trường mầm non Chim non (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Từ phía nhà trường, ông Nguyễn Văn Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS- THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội cho rằng, đây là việc chuyên ngành, đòi hỏi sự kiểm soát chặt hơn, thường xuyên hơn của các cơ quan chức năng: “Các cơ quan chức năng của nhà nước khi chứng nhận thì phải có sự kiểm soát chặt chẽ. Sau khi cấp giấy chứng nhận rồi lại phải có kiểm tra thường xuyên chứ trong 1 năm không kiểm tra thì những sự thay đổi của họ thì mình không theo sát được.

Trao đổi với phóng viên VOVGT, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền, Giảng viên cao cấp Học viện Quản lý Giáo dục, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, nhà trường cần khuyến khích phụ huynh tham gia giám sát: “Vai trò của UBND các quận huyện, thành phố cực kỳ quan trọng. Có chế tài mạnh là anh nằm trên địa bàn của chúng tôi, xảy ra vi phạm thì xử lý nghiêm các đơn vị cung ứng thực phẩm. Ngành giáo dục có rất nhiều khuyến khích phụ huynh tham gia giám sát và có hẳn thông tư 55 Quy chế đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường, quy định nhà trường phối hợp với phụ huynh trong mọi hoạt động. Nhà trường cũng phải động viên khuyến khích phụ huynh tham gia giám sát.

Nhiều ý kiến cho rằng, để phát huy vai trò của phụ huynh trong việc giám sát an toàn và chất lượng bữa ăn trường học, rất cần hoàn thiện các quy định để sự tham gia này được thuận lợi, thực chất và hiệu quả. Cùng với đó, bản thân các bậc phụ huynh cũng ý thức rõ, đây vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mình, chủ động phối hợp với nhà trường để đảm bảo an toàn cho con em mình, tránh tâm lý phó thác cho ban phụ huynh hay ban giám hiệu./.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 10/11 tại đây: