Phụ huynh chạy đua chọn lớp chọn thầy, đôi bên cùng áp lực

Lớp “chọn” sỹ số quá đông với hơn 60 học sinh/ lớp; trong khi ở các lớp "cuối bảng” của trường thì 3/4 là học sinh nam, phần lớn có học lực kém, cá biệt. Đây chính là hệ lụy từ cuộc chạy đua nhờ vả, gửi gắm, chạy lớp, chạy giáo viên từ đầu năm học của các bậc phụ huynh.

Diễn ra suốt nhiều năm nay và ngày càng nóng hơn, cuộc đua này không chỉ làm khó nhà trường, làm mệt phụ huynh, mà còn tạo ra sự mất cân đối, thiếu công bằng trong môi trường giáo dục.

Năm học 2022-2023, chị Thanh Thủy có con vào học lớp 6 một trường THCS ở quận Long Biên, Hà Nội. Đến nay, nhà trường đã tổ chức chia lớp và cho học sinh lớp 6 nhận lớp, nhận thầy cô chủ nhiệm. Chị Thủy cho biết, ngay khi có danh sách này, rất nhiều phụ huynh đã tìm cách "chạy" cho con vào lớp của các thầy cô dạy giỏi.

"Các gia đình mà có điều kiện chạy cho con vào lớp chọn, khi chạy như thế thì không cần xét tuyển học bạ nữa. Các con cứ chạy vào lớp chọn nên ở lớp chọn rất đông, hơn 60 bạn nhồi nhét trong lớp chọn và không có sự sắp xếp thì ở lớp thường mất cân đối, các bạn nam thì quá đông mà bạn nữ thì quá ít", chị Thủy nói.

Tình trạng vừa nêu không phải hiếm gặp khi nhiều phụ huynh bằng mọi cách cho con vào lớp chọn, từ việc cho luyện thi đến nhờ vả thậm chí “chạy" vào lớp chọn. Hệ lụy là các lớp được coi là lớp chọn ở các trường tiểu học, trung học cơ sở trong nội thành Hà Nội luôn ở mức cao hơn các lớp đại trà.

Chị Nguyễn Thị Minh ở quận Hoàng Mai cho biết, trung bình sĩ số học sinh trong lớp tại trường tiểu học Hoàng Liệt đã rất đông, ở lớp chọn còn đông hơn với 65 học sinh/ lớp. Các con thiếu phòng học, phải nghỉ học luân phiên cộng với nỗi lo chọn lớp, chọn cô khiến phụ huynh "mất ăn, mất ngủ":

"Tôi cũng như nhiều phụ huynh khác khi con vào cấp 2 thì lo lắng chọn lớp, chọn cô để con có môi trường học tập tốt. Ở quận Hoàng Mai thì lớp nào cũng đông nhưng trong bối cảnh đông đó thì tâm lý bố mẹ càng muốn con được vào lớp chọn nhiều hơn", chị Minh nói.

Ảnh nh họa

Mặt khác, cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân chia sẻ, việc phụ huynh tìm cách chọn “giáo viên tốt” cũng gây áp lực lên cả nhà trường và bản thân giáo viên, trong khi thực tế, giáo viên nào cũng có ưu, nhược điểm riêng và phụ huynh không thể "cả đời" chọn giáo viên cho con:

"Cùng một cô giáo thì có cháu học rất giỏi và có cháu lại chưa toàn diện, nên việc chọn lớp là không nên bởi nó gây xáo trộn tâm lý, khi được phân vào lớp này mà lại xin sang lớp khác thì ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý giáo viên, giáo viên cũng buồn nên khuyên phụ huynh không nên làm việc này mà tin tưởng vào nhà trường trong việc phân lớp, phân giáo viên", cô Ngọc chia sẻ.

Trước thực tế phụ huynh chọn cô, chọn lớp cho con, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cho dù từ lâu ngành giáo dục đã bỏ mô hình lớp chọn, lớp điểm trong các trường phổ thông nhưng thực tế nhiều trường học vẫn đang tồn tại mô hình này bằng nhiều hình thức khác nhau. Lớp chọn có nghĩa là những lớp có nhiều học sinh tích cực trong học tập, còn những lớp đại trà, phần lớn là học sinh yếu về học lực, nghịch ngợm nhiều hơn. Tuy nhiên, hệ lụy từ việc chọn lớp nhiều hơn so với những lợi ích mà nó mang lại.

"Nhà trường nếu chiều theo nguyện vọng của phụ huynh thì chắc chắn bố trí sẽ mất cân đối, ở lớp chọn thì học sinh tăng đột biến và ngồi chen nhau và lớp không chọn thì học sinh ít hơn. Chưa cần biết chất lượng học thế nào mà điều kiện học hàng ngày chật chội như thế đã là thiệt thòi cho các em. Như thế chọn lớp cho con có nhiều ý nghĩa hay không, chưa kể là năng lực học tập của các em là khác nhau", bà Nga cho biết.

Giải pháp đảm bảo việc xếp lớp và bố trí giáo viên công bằng, tránh xảy ra tiêu cực trong việc chọn lớp, chọn giáo viên, theo bà Việt Nga, nhà trường càng tạo ra sự công bằng, nh bạch bao nhiêu trong việc bố trí giáo viên, xếp lớp… càng loại bỏ sự tiêu cực, bấy nhiêu.

Về phía phụ huynh cần tin tưởng vào nhà trường trong việc bố trí nhân lực, bởi họ mới là người hiểu rõ chuyên môn giáo viên và có thể cân nhắc các yếu tố phù hợp nhất…Mặt khác, các thầy cô trong nhà trường đều đã được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn theo đúng quy định, vì vậy các phụ huynh không nên quá quan trọng việc chọn thầy cô.