Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Vào những dịp cuối tuần hay nghỉ lễ, anh Trịnh Ngọc Tú, ở Đống Đa, Hà Nội thường cùng vợ và các con dạo chơi tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Các con rất thích vì được nô đùa trong một không gian rộng với nhiều hoạt động vui chơi và không lo xe cộ.
Anh Tú rất mong Thành phố sẽ có thêm nhiều không gian như vậy: "Các hoạt động văn nghệ của các bạn trẻ, hoặc hoạt động biểu diễn của dàn nhạc rất tốt. Mình nghĩ là hiện nay Hà Nội đang quá ít chỗ chơi, có thêm nhiều tuyến phố đi bộ thì có nhiều không gian để vui chơi hơn. Thành cổ Sơn Tây mình mới nghe nói, chắc thời gian tới mình sẽ ghé qua".
Không chỉ anh Tú mà rất nhiều người dân khác cũng háo hức đón chờ hoặc đã trải nghiệm phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Ông Nguyễn Đăng Thạo, Phó Ban thường trực tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây cho biết, đơn vị đã đón khoảng 15 vạn du khách trong ngày đầu khai trương.
Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian, tái hiện nghề truyền thống, triển lãm tranh về quê hương Sơn Tây,… được người dân nhiệt tình đón nhận, đồng thời là điểm nhấn phát triển kinh tế, du lịch địa phương trong thời gian tới:
"Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các không gian văn hóa, thường xuyên tổ chức các hoạt động nghệ thuật, các trò chơi, giới thiệu ẩm thực của Đường Lâm hoặc là một số không gian văn hóa xung quanh, các huyện lân cận xứ Đoài để tạo điểm nhấn, thu hút. Mỗi tuần sẽ có một không gian, chủ đề mới để bà con nhân dân đến tham quan, trải nghiệm mà không nhàm chán hay thành lối mòn”, ông Nguyễn Đăng Thạo cho biết.
Thành cổ Sơn Tây là không gian đi bộ thứ 4 của Hà Nội, sau phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội và không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn.
Thành cổ Sơn Tây là không gian đi bộ thứ 4 của Hà Nội, sau phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội và không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn.
Hàng loạt phố đi bộ khác cũng đang được các quận, huyện đề xuất như: phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh, hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang, phố đi bộ Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3,…
Đa số người dân đều ủng hộ chủ trương mở thêm nhiều tuyến phố đi bộ tại Hà Nội nhưng cho rằng, cần khắc phục những bất cập hiện hữu và tạo điểm nhấn riêng cho từng không gian:
"Khi mình tổ chức có lẽ chưa đồng bộ lắm, đâm ra phần âm thanh và các thứ khác nó lẫn lộn với nhau, không được hay lắm, nếu có những chuyên đề riêng thì nó sẽ hay hơn".
"Mình nên quy hoạch hẳn một khu hoạt động nghệ thuật, còn chỗ đi bộ thì chỉ để đi bộ thôi, còn để chung thì nó lại thành hơi ồn ào, ngột ngạt".
"Cần tạo dấu ấn ở một phố đi bộ thật sự hoàn chỉnh rồi sau đó mới mở thêm những tuyến phố đi bộ khác".
KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, việc mở rộng không gian đi bộ và sinh hoạt công cộng là tín hiệu đáng mừng với Thủ đô sau một thời gian dài tập trung phát triển các dự án bất động sản, dân số gia tăng và thiếu hụt điểm vui chơi.
Đây cũng là xu hướng chung của các thành phố trên thế giới. Tuy nhiên, mỗi địa phương có một đặc thù khác nhau, từ lịch sử - địa lý, kinh tế - xã hội đến khả năng quản lý. Và đây chính là một thách thức:
"Riêng quận Hoàn Kiếm bản chất đã có sẵn không gian đẹp, tự nó thu hút được rất nhiều hoạt động. Tuy nhiên, quá đông đâm ra để lại nhiều yếu tố bất cập, ví dụ như lộn xộn trong việc cung cấp các dịch vụ giải trí cho trẻ em, rồi dắt chó đi bộ lẫn với người,…
Chính quyền địa phương phải “cải hóa” năng lực quản trị để thích ứng, chứ đừng biến khu phố lịch sử thành cái “chợ”. Thế còn những khu phố, khu đô thị kiến trúc quy hoạch thì phải có tham chiếu, học hỏi từ nhiều chuyên gia khác nhau", KTS. Trần Huy Ánh nói.
Nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, phố đi bộ trước hết nhằm thỏa mãn nhu cầu đi bộ, dạo chơi của người dân, tuy nhiên, về lâu dài, để tạo được điểm nhấn, trở thành địa chỉ văn hóa và kéo dài “sức sống” thì cần có kế hoạch bài bản của các nhà quản lý:
"Nếu như tôi ở phía Bắc, thỉnh thoảng tôi mới nghe cải lương trên radio thì nó không thú vị bằng tôi được trực tiếp đi vào phố đi bộ ở Cần Thơ. Điều quan trọng nhất là giới thiệu được các sản phẩm văn hóa đặc sắc của địa phương, hoặc là sản phẩm riêng có của địa phương.
Ví dụ, ở Hà Nội không nhất thiết phải mở các bài hát về Hà Nội, mà ở đó ta có thể chơi các bản nhạc nước ngoài. Tóm lại là anh có gì đó riêng biệt, không giống những nơi khác thì anh sẽ thu hút được những người thích sản phẩm đó đến đó, tránh việc làm theo phong trào, mở ra cho có với các tỉnh bạn thì không nên".
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, bên cạnh việc đáp ứng các nhu cầu của xã hội thì những tuyến phố đi bộ còn mở ra những kênh đầu tư mới, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, thêm thu nhập cho người dân và ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, chúng ta chưa chính thức xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của các tuyến phố đi bộ, do đó, cần có sự nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chuẩn bị cơ sở pháp lý và tâm thế.
Cũng theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong: "Những yêu cầu về quản lý môi trường, thứ hai là an ninh cũng cần được nhận diện. Thứ ba là các đơn vị tham gia dịch vụ cũng cần xây dựng lại các tiêu chuẩn, không thể tự phát được, mà nên có hướng dẫn chung và hướng đến nhu cầu của khách đặc biệt.
Thứ tư là Nhà nước nên có bộ phận chuyên trách. Ở Anh họ có bộ phận gọi là “Nữ hoàn đêm”, phố đêm. Chúng ta cũng nên có một dạng phụ trách toàn bộ hoạt động trên phố đi bộ, thì lúc ấy mới tạo ra nề nếp được".
Sự cần thiết của các tuyến phố đi bộ nói riêng và không gian công cộng nói chung là không phải bàn cãi tại một đô thị lớn như Hà Nội vốn đã quá thiểu điểm vui chơi.Tuy nhiên, việc kết nối không gian và tạo ra các giá trị văn hóa - nghệ thuật như thế nào là “bài toán” mà các địa phương cần nghiêm túc tìm lời giải.
Bởi nếu không thì các không gian đi bộ chẳng thể trở thành điểm hẹn văn hóa, mà chỉ dừng lại ở mức… đi bộ như công viên thông thường. Đó cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: Ranh giới giữa điểm hẹn văn hóa và công viên đi dạo
Ý tưởng về không gian đi bộ quanh Hồ Gươm đã được hình thành từ gần hai thập kỷ trước. Năm 2003, chợ đêm Đồng Xuân khai trương được coi như bước đệm để Hà Nội mở phố đi bộ đầu tiên một năm sau đó tại quận Hoàn Kiếm, trên trục đường: Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy.
Đến năm 2016, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm chính thức hoạt động và trở thành điểm đến quen thuộc của người dân, du khách.
Tuy nhiên, hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận có một lợi thế đặc biệt, từ truyền thống văn hóa, lịch sử đến kiến trúc, cảnh quan, không thể rập khuôn áp dụng cho những mô hình khác. Không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ là ví dụ về tính thận trọng, khoa học trong việc tổ chức.
Kể từ khi khai trương năm 2018, phố đi bộ Trịnh Công Sơn chỉ thu hút khách vài tháng đầu. Các hoạt động được đánh giá là không đặc sắc. Phố chỉ có một vài hàng quán và những cá nhân hoạt động nghệ thuật đơn lẻ, ban ngày ít người lui tới vì thiếu bóng mát cây xanh.
Thời gian tới, nếu các đề xuất được triển khai thì Hà Nội sẽ có ngót nghét cả chục không gian đi bộ. Sự kỳ vọng của các quận, huyện là điều dễ hiểu, bởi phố đi bộ vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, dù mỗi nơi đều cố gắng tạo ra đặc trưng riêng, nhưng chủ yếu vẫn từ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, sản phẩm thủ công truyền thống,…
Và nếu các địa phương không biết cách thổi “hồn” cho phố đi bộ của mình, thì rất có thể các không gian này sẽ na ná nhau, thậm chí biến thành cái “chợ” ồn ào.
Hơn nữa, sau một thời gian dài thiếu vắng các không gian công cộng thì việc phát triển đồng loạt phố đi bộ trong thời điểm này có vội vàng quá không? Liệu có đạt hiệu quả như mong đợi? Rồi mối tương quan của các không gian này trong quy hoạch phát triển du lịch Thành phố như thế nào?
Trả lời được những câu hỏi về sự cần thiết thì việc tiếp theo phải chú trọng là quản lý, vận hành một không gian đi bộ. Sau khi thiết kế đô thị, tạo cảnh quan để du khách thưởng ngoạn, việc du tu, bảo dưỡng phải được thực hiện định kỳ để tránh hư hỏng, xuống cấp.
Giá trị văn hóa của không gian đi bộ cần được nâng tầm thay vì chỉ quan tâm đến các dịch vụ kinh tế. Sau sự hồ hởi hoặc hiếu kỳ ban đầu, du khách sẽ không quay trở lại nếu một không gian không khiến họ hứng thú.
Chính vì vậy, các nhà quản lý phải xây dựng kế hoạch chương trình quy mô, chi tiết, thường xuyên bổ sung nội dung mới và liên kết với nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân để tạo ra những chủ đề không trùng lặp, bởi hoạt động dù đặc sắc đến mấy cũng chẳng thể làm đi, làm lại năm này qua tháng khác.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, truyền thông quảng bá và kết nối giao thông thuận lợi cũng cần được các địa phương quan tâm với lực lượng giám sát thường xuyên, có trách nhiệm.
Nếu những nhiệm vụ ấy chỉ được thực hiện ở mức “cho có” thì phố đi bộ này sẽ chẳng khác phố đi bộ kia, và hiệu quả chỉ dừng lại ở mức như các công viên, hoặc điểm tham quan “một đi không trở lại”.