Phát triển thương mại Việt - Trung thông qua các Sở Giao dịch hàng hóa

Để khai mở thị trường hơn 1 tỉ dân, giúp nâng tầm hợp tác thương mại Việt-Trung lên một tầm cao mới, việc liên thông thêm với các Sở giao dịch hàng hóa tại Trung Quốc được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở Giao dịch hàng hoá MXV trong năm 2024.

Với sự hợp tác sâu hơn với các Sở Giao dịch hàng hóa tại Trung Quốc, tiềm năng phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam sẽ ra sao? 

Thị trường giao dịch hàng hóa là kênh bảo hiểm giá và là kênh đầu tư đang ngày càng phổ biến hơn tại Việt Nam. Kể từ khi được Bộ Công Thương cho phép liên thông với thế giới, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã liên thông với hầu hết các Sở Giao dịch lớn nhất toàn cầu, tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Singapore, Malaysia.

Đặc biệt, mới đây, đại diện Bộ Công Thương, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Sở Giao dịch Hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc để hoạch định chiến lược hợp tác phát triển thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc một cách toàn diện.

Bộ Công Thương và Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đón tiếp và làm việc với Sở Giao dịch hàng hóa Đại Liên (Ảnh: VGP)

Nhận định về tiềm năng phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam nếu có sự liên thông và hợp tác sâu hơn với các Sở Giao dịch hàng hóa tại Trung Quốc, ông Phạm Thành Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Giao dịch Hàng hóa TP. Hồ chí nh, Thành viên kinh doanh của MXV cho biết:

"Trung Quốc là quốc gia có sức ảnh hưởng và chi phối đến giá nhiều mặt hàng quan trọng, nên việc liên thông được với thị trường này sẽ mở ra nhiều cơ hội đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Việt Nam. Danh mục hàng hóa được giao dịch liên thông với thế giới sẽ được mở rộng, với nhiều mặt hàng có khối lượng giao dịch lớn nhất trên thế giới. Điều này sẽ giúp hoạt động giao dịch hàng hóa ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn".

Sở Giao dịch Hàng hóa Đại là một trong ba Sở Giao dịch hàng hóa lớn nhất tại Trung Quốc và nằm trong top 10 Sở Giao dịch Hàng hóa lớn nhất trên thế giới.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Sở Giao dịch Hàng hoá Đại Liên đã chia sẻ tới Bộ Công Thương và MXV rất nhiều nội dung quan trọng về các chính sách, quy định mà chính phủ Trung Quốc đã và đang áp dụng trong công tác quản lý, điều hành thị trường giao dịch hàng hóa. Đánh giá về tiềm năng hợp tác, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc MXV cho biết:

"Thị trường Việt Nam và Trung Quốc có nhiều sự tương đồng, nên tiềm năng hợp tác giữa các Sở Giao dịch hàng hóa là rất lớn. Đầu tiên, các kinh nghiệm quản lý, tổ chức một thị trường lớn như Trung Quốc có thể được chúng ta học hỏi, điều chỉnh và áp dụng vào quá trình xây dựng nghị định mới, thay thế Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP nhằm hoàn thiện khung hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam".

Bên cạnh đó, MXV và Sở Đại Liên đã bàn bạc và sẽ sớm liên thông giao dịch giữa 2 Sở. Ngoài ra, hai Sở sẽ nghiên cứu niêm yết chéo sản phẩm, để các thương nhân Trung Quốc có thể mua các sản phẩm hàng hóa vật chất thế mạnh của Việt Nam được tiêu chuẩn phù hợp và do MXV niêm yết trên các sàn giao dịch chuyên biệt, mà sắp tới đi vào triển khai sẽ là Sàn Giao dịch Cao su và Sàn Giao dịch thịt heo tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Phạm Thành Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Giao dịch Hàng hóa TP. Hồ chí nh, Thành viên kinh doanh của MXV cho biết:

"Tôi đặc biệt kỳ vọng vào kế hoạch niêm yết chéo sản phẩm giữa MXV và Sở Đại Liên, bởi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có tiền đề phát triển đột phá. Giao thương thông qua các Sở Giao dịch sẽ giúp giải quyết rất nhiều bài toán, trong đó có cả các bài toán hóc búa về logistics mà thương nhân Việt Nam thường phải chịu thiệt trong nhiều năm qua. Sự nh bạch và trên hết là sự thuận tiện sẽ giúp hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc được giao dịch nhiều hơn, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, nông dân, nhà đầu tư Việt Nam cũng như đối tác”.

Sở Giao dịch hàng hóa Đại Liên làm việc tại trụ sở của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (Ảnh: VGP)

Bên cạnh đó, Sở Giao dịch Hàng hoá Đại Liên đã cùng MXV thảo luận với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) về kế hoạch phát triển giao nhận hàng hóa vật chất tại Việt Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, khả năng hợp tác về logistics giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung, cũng như Sở Giao dịch Hàng hóa Đại Liên nói riêng là rất lớn, sẽ mở ra rất nhiều cơ hội về vận tải, vận chuyển hàng hóa trong thời gian tới. PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết:

"Thị trường Trung Quốc rõ ràng là một thị trường chúng ta không thể nào bỏ qua, đặc biệt là trong lĩnh vực giao dịch hàng hóa. Lợi thế về địa lý sẽ giúp hàng hóa từ Việt Nam giao thương với Trung Quốc thuận lợi hơn và ngược lại. Có rất nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam mà thị trường Trung Quốc cần, hoàn toàn có thể đẩy mạnh xuất khẩu thông qua việc liên thông giao dịch giữa các Sở Giao dịch hàng hóa, cũng như niêm yết chéo các sản phẩm".

Bên cạnh đó, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng các Sở Giao dịch cần liên tục tổ chức các cuộc hội thảo, đào tạo để chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, quản lý va vận hành thị trường, liên tục cập nhật các chuyển biến của thế giới, để bắt kịp với xu hướng chung. Đây là điều rất quan trọng đối với một thị trường liên thông, giao dịch liên tục như thị trường hàng hóa.