Phạt tiền rủ, ép uống rượu bia: Cần làm nhiều hơn nói

Mới đây, Chính phủ ban hành NĐ 117 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó nội dung xử phạt từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia sẽ bị phạt tiền. Ảnh nh hoạ

Đối thoại với phóng viên VOV Giao thông về vấn đề này, tiến sĩ Đoàn Văn Báu - Chuyên gia tâm lý tội phạm chia sẻ:

PV: Trong Nghị định 117 do Chính phủ ban hành có đề cập đến nội dung xử phạt từ 1-3 triệu đồng cho hành vi lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia, ông có ý kiến như thế nào về nội dung này?

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu: Tôi hoàn toàn ủng hộ với đề xuất cụ thể này vì nó sẽ góp phần trực tiếp vào việc ngăn chặn các hành vi sử dụng rượu bia cũng như giảm tác hại của rượu bia.

Tuy nhiên điều mà tôi quan tâm nhất là tính khả thi và liệu nó có thực sự hiệu quả nếu đi vào triển khai hay không.

Tôi ví dụ rằng nếu như có người kích động, ép buộc tôi uống rượu bia thì tôi chưa biết sẽ phải báo cho ai về hành vi này.

PV: Từ trước đến nay chúng ta đã có nhiều quy định, chế tài xử phạt hành chính với các hành vi liên quan đến rượu bia, song cũng giống như lo ngại của ông là tính khả thi khi đưa vào thực tế. Vậy theo ông thì cần làm gì để quy định này thực sự đạt được hiệu quả?

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu: Tôi cho rằng khi đưa ra một quy định nào đó thì cần đảm bảo cả tính bao quát lẫn yếu tố chi tiết, cụ thể.

Không chỉ vậy cần quy trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan đơn vị hay chủ thể nào trong vấn đề xử lý. Chỉ có vậy thì khi đi vào thực tế mới đảm bảo hiệu quả.

Nếu như chúng ta tiếp tục triển khai nội dung này bằng cách làm như bao quy định khác: cứ cấm, cứ phạt song lại không ai phạt cả thì sẽ dẫn đến tình trạng nhờn luật trong nhân dân và như thế chắc chắn sẽ không hiệu quả.

PV: Xin cám ơn ông!

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 30/9 tại đây: