Phạt hơn 53 tỷ đồng vi phạm nồng độ cồn, số người chết giảm hơn 100 người/ tháng

Sau 1 tháng NĐ 100 có hiệu lực, toàn quốc xảy ra 1.300 vụ TNGT, làm chết 591 người, bị thương 968 người. Bình quân mỗi ngày có 17 người chết do TNGT, giảm khoảng 17,2% so với năm 2019. Như vậy, số người chết đã giảm hơn 100 người so với mỗi tháng năm 2019

Hiệu quả từ Nghị định 100 của Chính phủ đã được nh chứng cụ thể bằng chính ý thức tham gia giao thông của người dân và các số liệu liên quan đến tình hình TNGT trong thời gian qua

Theo UB ATGT Quốc gia, từ ngày 01/01/2020 – thời điểm bắt đầu thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện theo Nghị định 100, toàn quốc đã xảy ra 1.300 vụ TNGT, làm chết 591 người, bị thương 968 người.

Bình quân mỗi ngày có 17 người chết do TNGT, giảm khoảng 17,2% so với số người chết bình quân mỗi ngày của năm 2019. Như vậy, số người chết vì TNGT trong tháng 01/2020 đã giảm hơn 100 người so với mỗi tháng của năm 2019.

Số liệu của Bộ Y tế đưa ra trong 07 ngày của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua cũng cho thấy, cả nước xảy ra  gần 200 vụ TNGT, làm 133 người thiệt mạng và 174 người bị thương. Vi phạm nồng độ cồn giảm, chỉ chiếm 2% trong số các vụ tai nạn, số lượng ca cấp cứu tại các bệnh viện cũng giảm 18,7%. Điều này cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi của người dân khi tham gia giao thông.

Phân tích về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch UB ATGT Quốc gia cho biết, hiệu quả từ Nghị định 100 của Chính phủ đã được nh chứng cụ thể bằng chính ý thức tham gia giao thông của người dân và các số liệu liên quan đến tình hình TNGT trong thời gian qua.

“Kết quả rất đáng mừng, mừng một phần vì chuyện giảm TNGT, nhưng điều mừng hơn đó là sự thay đổi, thay đổi trong hành vi của người dân, người dân đã chủ động hơn trong việc tìm phương án đi lại cho mình trong trường hợp mình phải dự tiệc, trong trường hợp phải tham gia những bữa ăn có uống rượu bia, hoặc chủ động từ chối”, ông Khuất Việt Hùng nói.

Phạt hơn 53 tỷ đồng vi phạm nồng độ cồn

Hôm nay, lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết: Sau 1 tháng (01-31/1/2020) triển khai xử lý vi phạm theo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và NĐ 100 của Chính phủ, CSGT cả nước đã xử lý phát hiện xử lý 17.386 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 53 tỷ 155 triệu đồng, tước GPLX 10.695 trường hợp, tạm giữ 17.386 phương tiện các loại.

Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Thanh Hóa - 970 trường hợp, Đắk Lắk - 914 trường hợp, Tây Ninh - 886 trường hợp, Bắc Giang - 789 trường hợp, Đồng Nai - 696 trường hợp, TP Hồ Chí Minh - 672 trường hợp, Cà Mau - 593 trường hợp, Gia Lai 534 - trường hợp, Hà Nội - 512 trường hợp, Bến Tre 505 - trường hợp…

Đặc biệt, một số địa phương đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 0,4 ligam/1 lít khí thở như: TP Hồ Chí Minh - 264 trường hợp, Cà Mau - 257 trường hợp, Kiên Giang - 212 trường hợp, Long An - 195 trường hợp, Thanh Hóa và Tiền Giang - 168 trường hợp…

Một số địa phương đã xử lý các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn như: Đắk Lắk 26 trường hợp, Cà Mau 19 trường hợp, Tiền Giang 17 trường hợp, Tây Ninh 16 trường hợp, Kiên Giang 15 trường hợp, TP Hồ Chí Minh 13 trường hợp…

Mỗi ống thổi chỉ sử dụng một lần, sau khi sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định của Bộ Y tế

Bên cạnh đó, trước những băn khoăn về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thông qua kiểm tra nồng độ cồn, ngày 1/2, Cục CSGT đã có công điện chỉ đạo CSGT Công an các địa phương chủ động phối hợp với ngành Y tế và các lực lượng chức năng kiểm soát, phòng, chống, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh để có biện pháp xử lý theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, tập trung xử lý đối tượng vi phạm về nồng độ cồn điều khiển phương tiện gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn giao thông.

Quá trình kiểm tra, xử lý phải tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và cán bộ thi hành công vụ. Bảo đảm vệ sinh tiệt trùng cho thiết bị đo. Mỗi ống thổi chỉ sử dụng một lần, sau khi sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định của Bộ Y tế.