Phân loại rác tại nguồn: Nghị định xử phạt đã có, triển khai ra sao?

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa Nghị định 45 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường chính thức có hiệu lực. Theo đó, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn thành 3 loại sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Ngóng kế hoạch, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn

Nghe thông tin trên, chị Nguyễn Mỹ Linh và nhiều cư dân ở chung cư Đại Kim, quận Hoàng Mai cho biết khá bất ngờ về chính sách này, nhưng điều khiến băn khoăn nhất chính là sự bất tiện và khá tốn kém khi phải đặt 3 thùng rác trong căn hộ chỉ hơn 50m2:

"Chung cư nhà em vẫn chưa thấy tuyên truyền về phân loại rác như thế nào".

"Đối với những khu chung cư nhỏ như chúng tôi việc phân ra 3 loại rác và để 3 thùng rác trong nhà khá mất diện tích và khá tốn kém, thay vì một ngày mình chỉ dùng có một túi rác thì sẽ phải nhân 3 lên".

Mặc dù chủ trương đã có, thế nhưng đa số người dân ở tổ dân phố số 1, phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm lại chưa hề hay biết, chưa được tổ dân phố hay chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn.

Bà Nguyễn Thị Thanh bày tỏ sự hồ nghi về tính khả thi của chính sách này và lo ngại sẽ lặp lại tình trạng “đánh trống bỏ rùi” như những năm trước đây: "Khu phố chưa thấy họp hành hay triển khai đến từng hộ gia đình gì cả, từng bao bì để đựng 3 loại rác đấy thì cũng chưa rõ, quy trình làm thư thế nào?

Nếu như mấy năm trước thì tôi nghĩ lại đánh trống bỏ rùi. Bởi từ lâu thành phố đã làm thí điểm, trong nhà phân rất đàng hoàng nhưng đem ra đến xe rác thì công nhân môi trường lại ập hết vào làm một, bà con rất thất vọng không hiểu phân để giải quyết vấn đề gì".  

Không chỉ bà con cư dân chưa nắm rõ chủ trương này, mà nhiều cán bộ tổ dân phố, thậm chí chủ tịch phường cũng rất mơ hồ về chính sách này. Một số tổ trưởng chia sẻ:

"Ở tổ 1 chưa tiến hành cái kế hoạch này của nhà nước, chưa thực hiện tuyên truyền về các tổ".

"Chị chưa được nghe về cái phân loại rác thải đâu, Hàng Bài chưa triển khai phân loại rác thải".

Thời điểm triển khai đã cận kề, thế nhưng những người trực tiếp làm công tác thu gom rác thải cũng chưa rõ kế hoạch, lộ trình triển khai ra sao.

Chị Nguyễn Thị Hồng, công nhân môi trường Chi nhánh Urenco Hoàn Kiếm bộc bạch: "Bọn em chưa được phổ biến, đấy chỉ là trên báo đài vô tuyến thôi, chứ còn thực tế việc tuyên truyền, hướng dẫn đến dân hoặc công nhân bọn em phải thu như thế nào thì chưa có phương án cụ thể, chưa có kế hoạch đến tay bọn em".

Lý giải vấn đề này, bà Ngô Thị Loan, Phó giám đốc Trung tâm tái chế và truyền thông Urenco Hà Nội cho biết hiện công ty đang chờ hướng dẫn của thành phố để xây dựng kế hoạch triển khai: "Urenco Hà Nội vẫn đang thực hiện theo đặt hàng của thành phố và theo cơ chế của chủ đầu tư, nên chúng tôi vẫn đang đợi kế hoạch, hướng dẫn của các cấp chính quyền, do chưa cụ thể rõ ràng nên Urenco rất khó trong việc lập kế hoạch triển khai như thế nào cho phù hợp".

Theo Sở TNMT Hà Nội, hiện thành phố đang chờ hướng dẫn từ Bộ TNMT; đồng thời tập trung xây dựng Đề án phân loại rác thải trên địa bàn để lấy ý kiến nhân dân, làm sao đảm bảo thực hiện đồng bộ từ khâu phân loại rác đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

Theo ghi nhận của PV VOVGT, không chỉ có Hà Nội mà tại hầu hết các địa phương đang rất thận trọng trong công tác chuẩn bị từ lập kế hoạch, xây dựng đề án và hướng dẫn cụ thể tới người dân.

Giải pháp phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả

Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ TNMT chia sẻ, câu chuyện phân loại rác thải tại nguồn không phải là vấn đề mới, nhiều địa phương đã từng làm nhưng thất bại.

Chính bản thân từng thực hiện rất nghiêm việc phân loại rác tại gia đình thành 2 loại, thế nhưng khi đem rác ra khu vực công cộng của chung cư thì chỉ có duy nhất một thùng, vô hình chung việc phân loại từ đầu nguồn trở nên vô ích. Vì thế, để chính sách này đi vào cuộc sống cần có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng.

"Việc phân loại rác tại nhà là một chủ trương lớn, cần phải có sự chuẩn bị về hạ tầng, từ kiến thức, ý thức của con người cho đến những hạ tầng cụ thể như hạ tầng về vận chuyển rác, hạ tầng về xử lý rác chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ. Xe rác cần phải có 2 ngăn, một bên vô cơ, một bên hữu cơ và các trạm xử lý rác cũng phải tiếp nhận được cái đó", Giáo sư Đặng Hùng Võ nói.

Theo chuyên gia môi trường TS. Hoàng Dương Tùng, để triển khai hiệu quả công tác phân loại rác tại nguồn, các địa phương cần khẩn trương xây dựng và ban hành các kế hoạch thực hiện thật chi tiết.

Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đào tạo đội ngũ công nhân môi trường chuyên nghiệp, đồng bộ từ khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý rác thải.

"Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chậm nhất đến ngày 31/12/2024 các địa phương phải phân phân loại rác tại nguồn, vì thế các địa phương cũng cần có thời gian không phải tính bằng tháng mà phải tính bằng năm.

Để quy định phân loại rác tại nguồn đi vào cuộc sống cần phải có những quy định cực kì cụ thể, đòi hỏi địa phương phải cố gắng nhiều, cần có bước khảo sát, các khu dân cư khác nhau cần có quy định khác nhau", TS. Hoàng Dương Tùng nói.

Dưới góc nhìn khác, chuyên gia môi trường Đinh Đăng Hải nêu quan điểm, việc phân loại rác tại nguồn từng được thực hiện thí điểm tại nhiều địa phương,  lần này người dân phải tuân theo quy định bắt buộc và có chế tài xử phạt rõ ràng.. Vì thế cần phải thiết kế một lộ trình, chương trình hành động thật bài bản, phù hợp với từng địa phương thì mới phát huy hiệu quả.

Vhuyên gia môi trường Đinh Đăng Hải nói thêm:  "Biện pháp xử phạt chỉ là một trong các giải pháp tăng cường thực hiện, nhưng không phải là tất cả, cần phải có sự chuẩn bị về chiến lược làm sao cho hiệu quả nhất. Muốn làm bài bản, bền vững và lâu dài thì hja tầng về thu gom và vận chuyển cần phải được đẩy mạnh".