Ối giời ơi, lại Tết

Giữa tháng 11 rồi, nhoằng một cái đến Ngày Hiến chương các Nhà giáo, nhoằng cái nữa Noel, rồi năm mới và Tết cổ truyền thi nhau “kéo đến”.

 

Năm nay nhiều biến cố, nên cảm giác thời gian cứ sầm sập lao đi. Đầu năm, mất 3 tháng cho một đợt “phổ cập” Covid toàn dân. Vừa trở lại bình thường chưa được bao lâu, đã gặp ngay một đợt cúm và sốt xuất huyết hoành hành.

Rồi thì xăng leo cao chóng mặt, rồi dân chúng thị thành nửa đêm lũ lượt xếp hàng chờ đổ xăng. Rồi tuyển sinh lọc ảo mà bối rối thật, chương trình mới - cách học cũ…. Đủ thứ quay cuồng, chưa kịp làm gì, lại Tết!

Thành thực mà nói, Tết bây giờ chủ yếu chỉ còn là mong mỏi của con nít với người già. Còn với đa số những người đang độ tuổi lao động, trụ cột gia đình,Tết như một cuộc chạy đua nước rút buộc phải tham gia, chỉ nghĩ đến thôi  đã thở dài thườn thượt.

 

Nhưng sao thế nhỉ? Những thứ áp lực, phiền hà làm cho Tết kém vui, xét cho cùng đều do chúng ta tạo ra. Và năm nào cũng có Tết, mà sao ta không thể sửa?

Bạn đang làm việc với 100% công suất, sắp Tết ông chủ yêu cầu làm thêm, hãy thử cân nhắc. Nếu 10% cố sức mang lại thêm chút tiền thưởng, nhưng lại lấy đi của bạn rất nhiều phần sức khỏe và sự sẵn sàng, thì đừng gật vội.

Bạn dự định từ nay đến Tết phải đạt được mục tiêu A, nhưng có nhiều thứ không ủng hộ. Thay vì phập phồng đợi kết quả chung cuộc, hãy vạch ra các kịch bản với kết quả khác nhau. Điều này vừa cho phép giảm hồi hộp khi chờ, vừa giúp bạn dễ chấp nhận hơn nếu mục tiêu chỉ đạt “A trừ”.

Cũng có những áp lực cộng hưởng, vừa do ông chủ đặt ra, vừa do bạn mong muốn hoàn thành để ghi dấu ấn. Thì đã sao? Hãy nhìn lại xem năm trước bạn đã mất bao nhiêu đơn vị thời gian, đã cần bao nhiêu sự cộng tác để hoàn thành. Đối chiếu với tình hình Tết này, xét đoán mức độ khả thi rồi mạnh dạn trao đổi, đề xuất với người quản lý, thay vì dễ dài nhận bừa.

Yên tâm đi, không có người quản lý nào giao việc, nếu biết khả năng thất bại lớn hơn thành công. Vì vậy, hoặc là bạn có quyền thương lượng, hoặc bạn chắc chắn làm được, chỉ là lo âu thái quá.

Lại có người, công việc chẳng bận hơn là mấy, nhưng vẫn cảm thấy áp lực, hồi hộp lo âu khi sắp Tết, như một hiệu ứng tâm lý lân lan. Chẳng việc gì phải lo lắng vẩn vơ, chỉ cần nghĩ rằng, bạn vẫn làm việc chuyên tâm như thường, lưu ý thêm một chút về yêu cầu và tiến độ, là ổn.

Tết là để vui, Tết là hưởng thụ chứ không phải để lo. Năm nào Tết cũng đến, và thật vô lý nếu cứ đến  tầm này mỗi năm lại thốt lên cùng nhau: “ối giời ơi, lại Tết”.Vì thế, có lẽ ta nên mạnh dạn sửa sang lại cách nhìn về Tết, về những áp lực chẳng đâu vào đâu, để rồi uổng phí cả Tết, phí cả những mùa xuân rất đẹp của đời./.