Nút bấm sang đường, làm sao để trở thành thói quen?

Được thí điểm triển khai từ năm 2017, hệ thống nút bấm dành cho người đi bộ qua đường đã xuất hiện tại một số vị trí trên nhiều tuyến đường của Thủ đô Hà Nội.

Được kỳ vọng là giải pháp giúp người đi bộ an toàn hơn trong giao thông, lại tiết kiệm ngân sách so với xây cầu vượt, hầm chui, tuy nhiên dường như hiệu quả của dự án này chưa cao.

Một vài tuyến phố của Hà Nội đã được thí điểm hệ thống nút bấm qua đường từ năm 2017, với mục tiêu đảm bảo an toàn cho người đi bộ.

Đến nay, tuy người dân đã dần quen và biết đến hệ thống này, chẳng hạn trên phố Bạch Mai, Đinh Tiên Hoàng, Trần Quang Khải,... nhưng dường như với một số người, chúng đang làm cản trở giao thông, mất thời gian của cả người đi bộ lẫn người điều khiển phương tiện.

"Chả thấy ai dùng em ơi. Nó vẫn hoạt động. Nhưng chỗ này đường bé tẹo, dừng nhường người đi bộ thì buổi chiều tắc cứng. Chả ai nhường đường. Nói chung là phí tiền" - Đó là ý kiến của người dân sinh sống trên phố Bạch Mai, ngay cạnh cột đèn tín hiệu có nút bấm cho người đi bộ.

PV cũng thử dùng. Nút vẫn hoạt động tốt, dễ bấm, khá nhạy. Âm thanh nút bấm đếm ngược. Tuy nhiên, tỷ lệ xe dừng lại nhường đường là khoảng 30%.

Trong 10 phút, chỉ có PV sử dụng nút bấm này. Những người đi bộ khác vẫn tùy ý sang đường tại bất cứ vị trí nào.

Nút bấm dành cho người đi bộ tại nút Bạch Mai-Hồng Mai, quận Hai Bà Trung, Hà Nội.

Tại nơi khác là phố Đinh Tiên Hoàng, đoạn trước cửa Bưu điện Hà Nội; không rõ có phải do là tuyến phố trung tâm, lại gần các vị trí có CSGT hay không, mà tỷ lệ người điều khiển phương tiện nhường đường cho người đi bộ sử dụng nút bấm khá cao.

Đồng thời, số người biết dùng nút để qua đường cũng không ít. Chú Minh, sinh sống tại quận Hoàn Kiếm cho biết:"Chú ngày nào cũng đi tập thể dục qua đây. Nói chung là có cái này hay chứ. Văn nh. Mình dùng cũng an tâm hơn. Mong sao được tuyên truyền nhiều hơn để người dân biết mà dùng, với tăng số lượng lên chứ giờ đang hơi ít."

Có vẻ hệ thống nút bấm này không phải là không có tác dụng sau thời gian thí điểm. T ại các trục giao thông lớn như Đinh Tiên Hoàng, Trần Quang Khải,... việc người dân chấp hành tín hiệu đèn của hệ thống nút bấm này khá nghiêm túc.

Một số lái xe bày tỏ sự đồng tình với phương án này, nhưng cũng cho rằng nên trang bị nhiều hơn nữa tại các giao lộ:

"Mình đi đường thì cũng rất chấp hành. Có điều nhiều lần mỗi mình tôi dừng, các xe khác cứ bấm còi giục đi đi. Cái này nó an toàn cho người đi bộ. Mong sao người lái xe chấp hành nhiều hơn. Với bố trí nhiều chỗ hơn. Giờ hơi ít."

"Anh thấy là có hệ thống này thì rất hay. Nhưng làm sao để trông bắt mắt hơn, dễ quan sát, thì người đi bộ mới biết được mà họ bấm. Cơ quan chức năng cũng nên tuyên truyền, hướng dẫn nhiều hơn, thì nó mới phổ biến được".

Đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường tại đường Xuân Thủy, đoạn qua Trường đại học Sư phạm Hà Nội.

Chia sẻ ý kiến về việc "bấm nút, sang đường" tại Hà Nội, bạn Lê Linh, sinh viên năm 3 trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, ý thức và văn hóa giao thông là yếu tố quyết định thành công của dự án thí điểm này:

"Em nghĩ là do ý thức của người lái xe thôi. Nhiều người họ chẳng nhường người đi bộ đâu. Ngược lại có những bạn sinh viên dù có hẳn cầu vượt đi bộ mà còn không dùng; thì lấy đâu ra việc bấm nút xong chờ 1 lúc mới được sang đường. Còn em đi nhiều nước, ví dụ Singapore, họ bố trí gần như là mọi ngã tư đều có nút bấm. Hà Nội mà có nhiều nút này thì em nghĩ dần dần người dân cũng quen thôi ạ."

Đồng tình với ý kiến trên, kết hợp với quan sát ở góc độ tổng quan, chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình góp ý để dự án thí điểm Nút bấm sang đường này không lãng phí, hay trở thành "vô hình":

"Đây là dự án rất hay cho người đi bộ, đặc biệt nó giúp tiết kiệm cho TP khi không phải xây cầu vượt hay hầm qua đường. Có điều làm thế nào để người dân chấp hành, từ đó mới nhân rộng được mô hình. Theo tôi, đã là đèn đỏ thì phải tuân thủ. Mà có vẻ như tôi chưa thấy trường hợp nào vượt đèn đỏ, không nhường người đi bộ khi đã bấm nút bị xử lý cả. Nếu CSGT xử phạt như lỗi vượt đèn ở các ngã tư thì chắc chắn ý thức sẽ được cải thiện."

Hi vọng thời gian tới, cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và tính toán để mô hình "Nút bấm dành cho người đi bộ qua đường" phát huy hơn nữa hiệu quả, hạn chế bất cập khi áp dụng thực tiễn, tránh lãng phí sau nhiều năm thí điểm.