Nỗi khổ của hẻm

Ninh Kiều là quận trung tâm của TP.Cần Thơ với trên 500 con hẻm lớn, nhỏ. Quận có nhiều trường đại học, bệnh viện lớn nên mật độ giao thông luôn cao. Thế nhưng, ngoài các tuyến đường trục chính khang trang thì vẫn tồn tại hàng trăm con hẻm trong nội ô thường xuyên ngập nghẹt, nhếch nhác.

An Khánh có số dân hơn 55.000 người, là phường tập trung đông dân nhất so với các phường còn lại của quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Hàng chục con hẻm của phường vừa trải qua một đợt nước ngập úng, người dân phải vật lộn với làn nước đen ngòm từ các mương, rạch tràn vào. Và tình hình này sẽ tiếp tục lại khi con nước cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch chuẩn bị dâng cao.

Hẻm Cây Me, phường An Khánh là một trong những con hẻm nước đen

Ông Thái Minh An, ngụ khu vực 3, phường An Khánh cho biết, phường này có diện tích 4,41km². Người dân ở phường An Khánh có thể di chuyển khá thuận lợi vào trung tâm TP. Cần Thơ qua đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh. Tuy nhiên, càng đi sâu vào vùng lõi mà nhất là khu vực 2 và khu vực 3 thì bộc lộ nhiều bất cập, hẻm bị ngập nghẹt, nước đen ngòm. Mùa mưa thì đường trở thành sông “nước đen”, còn mùa nắng thì bụi bay mịt mù. Người dân cứ nín nhịn, chịu đựng dù An Khánh là trung tâm thành phố chứ chẳng phải vùng sâu, vùng xa:

“Ở đây mỗi lần ngập là nước cao lên tận 4 tấc, xe chạy không được vì ngập pô. Học sinh chạy đi học là té, khổ lắm khổ”.

Đi sâu trong các hẻm liên thông thuộc hẻm 390 và các hẻm nhánh phía sau khu Lò Mổ, tình trạng ngập nghẹt, bùn đen mỗi khi mưa xuống, triều cường dâng cao cũng gây bức xúc cho rất nhiều bà con đang sinh sống hay có nhu cầu đi lại xung quanh khu vực này. Đặc biệt, nước đen thì sinh côn trùng gây bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe của người dân.

"Muỗi nhiều dữ lắm và nước hội thối lắm."

"Nhà tôi mở tiệm uốn tóc mà tới mùa nước hay mưa xuống là ế vì nước ngập quá không ai đi được."

"Nước tụ đóng rong nên đi rất trơn trượt. Mới mấy ngày nay có một người bị té ngay chỗ tôi đứng đây."

Hẻm Lò Mổ, phường An Khánh thì xuống cấp

Đa phần các con hẻm trong quận Ninh Kiều có chiều dài khoảng 240m, tuy nhiên do địa hình thấp và nhiều năm xuống cấp, cộng với việc xây nhà lấn chiếm kênh rạch đã khiến những con hẻm này không có lối thoát nước vào mùa mưa. Theo UBND phường An Khánh, toàn phường hiện có 26 con hẻm xuống cấp gây khó khăn cho bà con trong việc đi lại, gây mất an toàn, mất vệ sinh đô thị. Hiện Phường đã có văn bản kiến nghị về quận trong các năm qua, và mới đây nhất phường đã có báo cáo kiến nghị lên quận để có kế hoạch đầu tư nâng cấp trong năm 2025.

Cũng theo quan điểm thẳng thắn của UBND phường, thực tế, chỉ có các công trình do địa phương vận động bà con ủng hộ kinh phí (nhân dân tự làm), thì phường có thể đôn đốc làm nhanh. Còn các công trình thuộc vốn ngân sách đều do Phòng Quản lý Ðô thị quận Ninh Kiều làm chủ đầu tư và làm theo kế hoạch được duyệt, địa phương chỉ phối hợp thực hiện vận động di dời để thuận tiện, mau chóng hoàn thành công trình.

Về vấn đề này, quan điểm của các hộ dân đều đồng tình và mong địa phương sớm xã hội hóa những con hẻm xuống cấp và bị ngập nghẹt nghiêm trọng, nhằm đẩy nhanh tiến độ nâng cấp. Bà Lê Ánh Hương, ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều cho biết:

“Chúng tôi đồng thuận, nhà nước bà nhân dân cùng làm, nhà nước vận động đóng góp bao nhiêu thì chúng tôi đóng góp bấy nhiêu”.

Một con hẻm bị ngập kèm mưa khiến người dân di chuyển khó khăn

Ông Võ Thành Tuấn – Chủ tịch UBND phường An Khánh cho biết thêm, khu vực 2 và khu vực 3 của địa phương này đang tồn tại tình trạng phân lô, bán nền tự phát từ nhiều năm trước (nay hạ tầng, đường sá đã xuống cấp) đang được quận thống kê để có giải pháp xử lý. Đối với những khu vực dân cư tự phát này thì chính quyền địa phương cũng như quận sẽ không bố trí ngân sách để sửa chữa, nâng cấp, mà những người dân nơi đó tự vận động cùng nhau sửa chữa nâng cấp.

Như vậy, người dân phải tự chủ động để giảm thiểu tình trạng ngập nghẹt trong các con hẻm có nhà tự phát. Do là công trình xây dựng trái phép nên hiện trạng phải được giữ nguyên. Còn riêng đối với những con hẻm có ngân sách đầu tư, mong rằng, chính quyền địa phương sớm xem xét có phương án đầu tư sớm để người dân bớt chật vật mỗi khi vào mùa “triều cường đen”…