Nỗi ám ảnh bị đe dọa, trù dập của người tố cáo

VOVGT-Không ít người tố cáo tham nhũng đã và đang bị đe dọa, trả thù với nhiều hình thức tàn bạo, thậm chí bị "khủng bố" tinh thần, hoặc bị đánh trọng thương...

Ông Nguyễn Công Uẩn (bên trái) và ông Nguyễn Tiên Lãng 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Những năm gần đây, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cùng sự tham gia tích cực của nhân dân, nhiều vụ án tham nhũng đã được phát hiện, xử lý kịp thời, có tác dụng răn đe, ngăn chặn và góp phần kiềm chế tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các quy định của pháp luật về việc bảo vệ người tố cáo rất chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn; việc khen thưởng người có thành tích trong phòng, chống tham nhũng hiệu quả còn thấp, chưa thực sự khích lệ được nhiều người dám dũng cảm tố giác hành vi tham nhũng. Với loạt bài: "Phòng chống tiêu cực, tham nhũng: Cơ quan nào bảo vệ - khen thưởng?" sẽ phần nào làm rộng đường dư luận về vấn đề này. Và bây giờ, mời các bạn đến với bài viết số 1, có nhan đề: “Nỗi ám ảnh bị đe dọa, trù dập của người tố cáo”. 

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, những người tố cáo tham nhũng có vai trò rất quan trọng nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bị đe doạ, hành hung, khiến họ trở nên đơn độc. Điển hình là vụ việc, hai cụ ông (đã ngoài 80 tuổi, ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) phát giác ra gần 3.000 bộ hồ sơ thương binh giả, giúp Nhà nước thu hồi về hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, những gì mà ông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn đã trải qua không phải là điều dễ dàng.

Để tìm lại công lý, hàng ngày ông Lãng vẫn lủi thủi ngược xuôi trên chiếc xe đạp cũ kỹ để đến các cơ quan công quyền tố cáo tiêu cực. Thương ông, người dân trong thôn đã không ít lần can gàn, bởi theo họ thì hành động của ông chẳng khác nào “con kiến kiện đi củ khoai”. Có đận, nhà ông còn bị các đối tượng ném đầy đất đá, nước tiểu và phân. Hơn một trăm gốc bưởi là tài sản lớn nhất của gia đình ông cũng bị bọn chúng phá tan chỉ sau một đêm. Ông Lãng nhớ lại:

“Chúng tôi đi chống tham nhũng vất vả lắm. Vườn cây nhà tôi gần 2 sào, trồng được hơn 200 cây Bưởi Diễn mà nó chặt không còn cây nào. Tôi đi xe đạp ở dọc đường, nó đi xe máy chặn đường đánh tôi. Ban ngày kéo cả nhà ra chửi tôi. Một ngày 3 trận như thế, gọi Công an đến thì nó lại giải tán”.

 

Không chỉ bị các đối tượng vào tận nhà hành hung, mà bao nhiêu năm nay ông Uẩn còn bị gọi là “thằng chột đi kiện”, rồi bọn trẻ trong làng hễ nhìn thấy ông là hô to “trùm khủng bố”. Ông Uẩn tâm sự, đã không ít lần chết hụt, nhưng không bao giờ nản lòng. Chỉ có điều là cảm thấy đơn độc, không được bảo vệ là đau xót nhất.

“Nó vào tận nhà nó đánh tôi. Nó đập tôi vào tường. Hai lần tôi bị đâm xe. Tết 2005 tôi phải trốn nhà 10 ngày không dám về nhà nhưng cũng không ai bảo vệ tôi. Tôi nằm ở viện kiểm soát tỉnh mà công an tỉnh cũng không bảo vệ tôi. Không ai giúp đỡ tôi cả”.

 

Ông Uẩn tâm sự, đã không ít lần chết hụt, nhưng không bao giờ nản lòng

Thực tế cho thấy, việc đe dọa, trả thù người tố cáo không còn là hiện tượng riêng lẻ, mà nó diễn ra khá phổ biến. Năm 2010, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã vinh danh 88 công dân tiêu biểu có thành tích xuất sắc chống tham nhũng. Trong đó, không ít người thừa nhận đã và đang bị đe dọa, trả thù với nhiều hình thức tàn bạo và tinh vi, thậm chí bị “khủng bố” tinh thần, hoặc bị đánh trọng thương, ném mìn vào nhà, bị giết hại. Ông Nguyễn Thanh Bình – nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô, người quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng và được vinh danh năm 2010 nhận định:

“Luật cũ của chúng ta đã đề ra nhưng tại sao chúng ta không làm được? Mặc dầu cũng có những cá nhân rất dũng cảm dám đứng lên chống tiêu cực tham nhũng. Tôi cho rằng cái này là do tính chủ động không cao của các cơ quan chức năng thuộc phạm vi chỉ đạo chống tiêu cực tham nhũng”.

 

Qua đánh giá từ các ngành chức năng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, không ít các cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền viện hàng loạt nguyên nhân như: không có quy định cụ thể để áp dụng bảo vệ người tố cáo; việc phát hiện và xử lý vi phạm đối với hành động trả thù người tố cáo còn nể nang, chưa nghiêm túc và thiếu quyết liệt. Kết quả cho thấy, việc trả thù, trù dập người tố cáo là có thật, song hành vi trả thù, trù dập thì không bị xử lý, mà chỉ là có “sai sót”, “rút kinh nghiệm”, “kiểm điểm sâu sắc”. Nhận định về vấn đề này, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre nói:

“Thực ra nếu chúng ta muốn làm tốt công tác này, đầu tiên là chúng ta phải hoàn thiện thể chế. Đó là luật tố cáo và luật phòng chống tham nhũng, hai luật này bản chất là rất chặt chẽ với nhau. Vấn đề thứ hai là phải tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật để cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân coi chống tham nhũng là vinh dự, là trách nhiệm, một thứ quyền năng của họ. Vấn đề thứ ba là các cơ quan Nhà nước phải thực hiện rất nghiêm xử lý tham nhũng, nếu đã phát hiện thì phải xử lý nghiêm. Anh không được đánh rắn giữa khúc, hay gọi là nửa chừng để cho người dân nhụt ý chí”.

 

Từ những nỗi ám ảnh bị đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo tham nhũng cho thấy, có quá nhiều vấn đề tồn tại cần được các ngành chức năng sớm đánh giá toàn diện và rốt ráo giải quyết. Bảo vệ và khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng đều góp phần phát huy vai trò của xã hội nói chung và của người dân nói riêng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, việc hoàn thiện thể chế pháp luật một cách rõ ràng, cụ thể, sát với thực tiễn là việc cần làm ngay và hết sức cần thiết trong cuộc chiến chống tham nhũng đầy gian nan và thách thức. 

Trong chuyên mục “Tiếng nói cộng đồng” sáng mai (28/11), chúng tôi tiếp tục phát sóng bài viết số 2 với nhan đề: “Vì sao nhiều quy định bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng chưa sát, chưa thể thực hiện ?”.