Những suất cơm nghĩa tình bên cạnh Bệnh viện dã chiến

Tiếng còi xe cấp cứu chở bệnh nhân F0 đổ về bệnh viện dã chiến cứ khắc khoải dội vào lòng người, dội vào lòng cư dân phường An Khánh, TP. Thủ Đức - nơi đang nhận nhiệm vụ tiếp nhận 20.000 bệnh nhân COVID-19.

 

Thổi cơm cạnh Bệnh viện dã chiến, tiếp lửa cho tuyến đầu chống dịch

Những tòa nhà chọc trời khu tái định cư (Thủ Thiêm cũ) mấy năm nay bỏ không thinh lặng với nắng mưa…

Giờ chứng kiến những đoàn xe chở bệnh nhân, lực lượng y bác sĩ, quân đội, dân quân xung phong tăng cường vào tuyến đầu, bà con cư dân nơi đây vừa lo, vừa thương. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Bệnh viện phía bên kia rạch nước

Chung cư Bình Khánh.

Đứng trên tầng 10 có thể thấy ánh đèn BV dã chiến, thấy rõ mồn một những bệnh nhân F0 mặc đồ bảo hộ, balo tay xách nách mang, đồ dùng cá nhân nhập viện.

Hai khu chung cư ước chừng cách nhau hơn 100m đường chim bay, cách một rạch nước nhỏ bước qua cây cầu Ông Tranh là có thể chạm nhau. 

Bà con thường ngày đi qua đây, lòng như thắt lại, muốn san sẻ những vất vả của những y bác sĩ, bệnh nhân đang ngày đêm vì trận chiến “sống còn” chống dịch của TP. 

Như nghĩa cử của xóm giềng tương trợ nhau, bà con nhà B, Lô CD, chung cư Bình Khánh xúm lại thổi lửa nấu cơm tiếp sức cho bệnh viện. 

Bà Nguyễn Thị Lợi cư dân lô CD, chung cư Bình Khánh, phường An Khánh, TP. Thủ Đức, ngồi bên chảo đảo thịt xào nghi ngút mùi thơm nói: 'Ngày đầu hôm qua 50 suất. Hôm nay đang chuẩn bị cho 100 suất. Nếu các bác sĩ có nhu cầu thêm, thì vẫn hỗ trợ nhiệt tình, vài ba trăm hộp cũng được, cung cấp đầy đủ”.

Thực đơn thường 2 món mặn, 1 canh, rau xào thêm. Với bà Lợi những ngày “giãn cách” rảnh tay rảnh chân không buôn bán được giúp đỡ mọi người lúc này thấy vui chứ không thấy mệt.

Vì thâm tâm, thấy nhiều người còn khổ lắm, thương những bệnh nhân ở phía bên kia rạch nước. 

Ban đầu chỉ tập hợp bà con chung cư, mỗi người góp chút ít từ gạo dầu mắm muối, người vài trăm ngàn rồi cứ thế bếp “yêu thương” đã nhóm được 3 ngày.

Tình thương lan tỏa...

Bà con lân cận nghe được thông tin, chở từng bó rau, bao gạo, có người chờ hàng giờ ở siêu thị mua cả danh sách dài tích trữ.

Vậy mà rời cửa hàng, họ chở thẳng đến bếp cơm ủng hộ.

Dần dần, bếp cơm như 1 trạm trung chuyển hàng hóa, khẩu trang đồ bảo hộ, nước suối, đồ uống tăng lực.... được bà con nhờ chuyển giúp vào bệnh viện. 

Bếp cơm cũng nhận được nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm từ người dân ủng hộ cho BV dã chiến

Anh Trần Văn Trường, Trưởng nhóm tiếp ứng Chống dịch COVID-19 tại đây cho biết, từ 12h trưa, cư dân đã thay phiên nhau đã tất bật phân công nhiệm vụ nấu nướng, sơ chế thức ăn để kịp giao 100 phần cơm cho lực lượng chống dịch ở BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3, tính toán làm sao tầm 17 giờ 30 những suất cơm đến viện trao tay bác sĩ vẫn còn nóng thơm. 

“Tôi mong muốn có những nguồn lương thực thực sự đảm bảo, chất lượng và chúng tôi nấu những bữa cơm chất lượng để một phần nào tăng thêm nguồn năng lượng cho các anh em tuyến đầu có nhiều sức khỏe hơn để hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài suất cơm, chúng tôi có nhu yếu phẩm như C sủi tăng sức đề kháng, khẩu trang, áo bảo hộ hay mì tôm, nước suối, và ngay những vật dụng như máy nấu nước, hay quạt”, Anh Trường chia sẻ. 

Trong lúc nấu ăn, anh Trường cho hay, ê-kíp hoàn toàn đảm bảo sự giãn cách. Nếu không kiểm soát được việc đó, thì đây cũng có thể là một ổ dịch nhỏ. Đặc biệt, đội nhóm chỉ lấy nhân sự trong cùng 1 tòa nhà đã test nhanh có kết quả âm tính trước đó nên nhận được sự đồng tình của bà con. 

Anh Trường chia sẻ: “Xuất phát từ việc làm của chúng tôi, sự lan tỏa đó quanh khu vực quận 2, có nhiều gia đình người đến đóng góp, có khi một chai nước mắm, vài kí gạo, hàng trăm ký gạo, hay một list dài thực phẩm mà họ mua từ siêu thị rồi đi thẳng đến ủng hộ chúng tôi.

Thật sự rất xúc động. Nhiều cái nhỏ góp thành cái lớn. Ai ai cũng muốn góp chút ít”.

Những món quà nghĩa tình từ người dân

“Hàng xóm” nghĩa tình

Đúng 17h chiều, cơm cùng thức ăn đóng hộp cho vào thùng chuẩn bị giao đến điểm tập kết. Ngoài ra, những thùng nước tăng lực, từng cuộn giấy vệ sinh, tuýp C sủi, thùng khẩu trang được chất sẵn lên xe.

Sau khi mặc bộ đồ bảo hộ bít bùng, những đầu bếp kiêm lái xe đi thẳng vào cổng BV dã chiến số 3, nơi các bác sĩ, bộ đội dân quân đang đợi.

Thượng tá Hồ Thanh Thủy, Chính trị viên phó BCH quân sự TP Thủ Đức, kiêm PGĐ BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3 vui mừng đón những “hàng xóm” nghĩa tình chi viện cho bệnh viện suất ăn, một vài nhu yếu phẩm.

Thượng tá Thủy cho biết, quân số toàn bệnh viện hơn 200 người, bệnh viện được thành lập được 4 ngày và tiếp nhận được hơn 2.000 bệnh nhân F0.

Tòa nhà hơn 20 tầng, được chia ra từ tầng 1 đến tầng 3 dành cho cán bộ nhân viên bệnh viện, lực lượng chiến sĩ quân sự. Từ tầng 4 là nơi các F0 đang điều trị.

“Ngoài chế độ theo quy định, lực lượng tình nguyện cũng như lãnh đạo phường An Khánh, và các nhà hảo tâm trên địa bàn phục vụ chúng tôi, hỗ trợ chúng tôi về hậu cần, những suất ăn hàng ngày. Đây là món ăn tinh thần để chúng tôi có động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công”, thượng tá Thủy cảm kích khi vừa nhận hơn 100 suất cơm thơm lựng. 

Ông Hồ Hải Phong, Chủ tịch UBND phường An Khánh, TP.Thủ Đức cho biết sẽ cố gắng trong khả năng, tiếp tục kêu gọi các mạnh thường quân để hỗ trợ thêm cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch.

Cùng có mặt tại bệnh viện, ông Hồ Hải Phong, Chủ tịch UBND phường An Khánh, TP.Thủ Đức cùng với lực lượng đang tất bật cho công tác hỗ trợ bệnh viện để thu dung các bệnh nhân.

Ngoài bệnh viện dã chiến số 3, các block chung cư đã bố trí bệnh viện dã chiến số 6 (đã tiếp nhận trên 1.000 bệnh nhân), bệnh viện dã chiến số 7 đang tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân, và đang triển khai bệnh viện dã chiến số 8.

Toàn bộ block chung cư từ R1-R5 khoảng 3.790 căn hộ, dự kiến tiếp nhận khoảng 20.000 – 22.000 bệnh nhân F0.

“Về phía phường, cùng các mạnh thường quân hỗ trợ cho đội ngũ y bác sỹ, bệnh nhân, chăm lo riêng về nước, cơm. Trưa nay, chúng tôi đã tiếp nhận trên 1.000 thùng nước để chuyển tới tận tay cho bệnh nhân và y bác sĩ. Ngoài ra, chúng tôi cũng có các nhu yếu phẩm khác, chúng tôi sẽ phối hợp với Giám đốc các bệnh viện để trao tận tay cho bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ”, ông Phong chia sẻ. 

Vị lãnh đạo phường chia sẻ thêm rằng, sẽ cố gắng trong khả năng, tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm để hỗ trợ thêm cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch. 

Cư dân Anh Khánh đã gạt đi những lắng lo ban đầu dịch bệnh, họ trở thành những “hàng xóm” nghĩa tình sớt chia phần cơm nóng thơm cho những cư dân “bất đắc dĩ” về đây làm nhiệm vụ lẫn chữa bệnh. 

Bếp ăn bên Bệnh viện dã chiến -  đậm thêm một thành phố nghĩa tình trong cơn đại dịch.