Những người “bố nuôi” đặc biệt nơi biên cương

Trời nhá nhem, thấy nhà có khách, Long vội vàng dựng chiếc chổi quét nhà, bê phích nước nóng pha trà. Đại uý Thái Ngọc Hoàng được đơn vị giao nhiệm vụ chăm sóc Long ân cần nhắc nhở cậu bé: “Cẩn thận kẻo nóng, con”.

Bà Đỗ Thị Sang, bà ngoại Long xúc động khi nhìn thấy giây phút cháu được trở lại trường học: “Tôi rất cảm động, vì Bộ đội biên phòng đã giúp đỡ gia đình, nhận cháu Long nuôi dưỡng. Mong sao sau này cháu Long có tương lai cho bản thân cháu. Tôi đã già, mỗi tháng thu hoạch không có bao nhiêu để nuôi cháu. Thực sự tôi chỉ biết cảm ơn, không biết nói gì hơn”.

Về sống tại Đồn Biên phòng Lộc Thiện, phải mất một thời gian ngắn, Long mới đỡ rụt rè. Với tình thương và trách nhiệm, các cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã giúp em vượt qua mặc cảm và kết quả học tập tiến bộ dần.

Long cũng sinh hoạt như một “chiến sĩ nhí”, tham gia các hoạt động của đơn vị như tăng gia sản xuất, tập thể thao,.. để rèn luyện thêm tác phong.

Nằm ở vị trí “đầu gối Trường Sơn, vai kề biên giới”, tiếp giáp Vương quốc Campuchia với chiều dài đường biên giới hơn 258,9km; đồng thời cũng là tỉnh có tới 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, nên bên cạnh nhiệm vụ giữ gìn an ninh, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ vững chắc địa bàn, Bình Phước coi công tác giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ đội biên phòng Bình Phước cũng phối hợp với địa phương làm tốt công tác dân vận và thực hiện nhiều chương trình nhân văn, trong đó có mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”.

Hiện BĐBP Bình Phước đã nhận 7 cháu có hoàn cảnh rất đặc biệt về nuôi dưỡng tại các Đồn Biên phòng. Riêng mô hình “Nâng bước em tới trường”, hiện có 70 cháu được hỗ trợ kinh phí học tập hàng tháng, mỗi cháu 500.000 đồng, trong đó có 7 cháu là người Campuchia.