Những đề xuất sửa đổi Luật quy hoạch liệu có khả thi?

VOVGT-Xây dựng, ban hành Luật Quy hoạch là một thay đổi lớn, là một cuộc cách mạng, góp phần giải quyết được tất cả những bất cập của đất nước từ trước đến nay.

 

Theo báo cáo của các cơ quan liên quan được phân công qua rà soát, có 32 Luật cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch để phù hợp với dự án Luật quy hoạch. Do vậy, để bảo đảm tính khả thi, báo cáo đề nghị tiếp thu, chỉnh lý, sửa đổi và hoàn thiện các luật này theo hướng đảm bảo Luật quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

Cùng với đó, quy định giao Chính phủ rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong 32 Luật sao cho phù hợp với Luật quy hoạch, rồi trình Quốc hội xem xét, quyết định để Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Mới đây, tại phiên thảo luận cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quy hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào chiều 17/3, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn về việc liệu có đủ thời gian để sửa 32 Luật này hay không.

Xây dựng, ban hành Luật Quy hoạch là một thay đổi lớn, là một cuộc cách mạng

Nhìn từ góc độ quy hoạch xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng băn khoăn về tính khả thi của dự thảo Luật này. Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật chưa làm rõ cách tích hợp các quy hoạch vào một quy hoạch chung, thời gian tích hợp bao lâu và tính khả thi, tác động trên thực tiễn của việc tích hợp này đối với điều hành phát triển kinh tế xã hội. Hơn nữa, quy hoạch xây dựng có tính đặc thù rất cao về khối lượng sản phẩm và hệ thống sản phẩm. Vì vậy, việc tích hợp quy hoạch xây dựng vào quy hoạch chung là rất khó khăn.

Còn theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, hệ thống quy hoạch hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập, yếu kém lỗi thời, tạo ra những đồ án quy hoạch “cọc cạch”. Quy hoạch sản phẩm là hệ quả của nền kinh tế quan liêu, bao cấp, kế hoạch hóa tập trung nên trong bối cảnh kinh tế hiện nay không còn phù hợp nữa, do đó nên bỏ. Ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, vai trò của quy hoạch đối với công tác quản lý nhà nước là rất quan trọng, vì vậy quản lý nhà nước phải có tầm nhìn chiến lược, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi tầm nhìn phải được diễn tả bằng quy hoạch.

Từ thực trạng quy hoạch, xây dựng đô thị không đồng bộ, không phát huy được việc sắp xếp bố trí không gian, không tạo được tính kết nối, mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do quy hoạch chưa phát huy hiệu quả hay do thực hiện quy hoạch không tốt. Từ đó, mới xem xét có cần sửa đổi, bổ sung 32 luật có liên quan đến quy hoạch hay không.

Có thể thấy, hiện vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí ngay trong Chính phủ cũng chưa có sự thống nhất cao về việc có khả thi khi sửa đổi 32 luật liên quan đến quy hoạch. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã vừa giao cho Ủy ban Kinh tế tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan, chuẩn bị các nội dung kỹ lưỡng, để trình vấn đề ra Hội nghị đại biểu chuyên trách vào tháng 4 tới đây.